Chuyển giá ở Việt Nam (Bài 3): Khó khăn chồng chất trong công tác chống chuyển giá

Cũng là một nước đang phát triển, Việt Nam cũng gặp những khó khăn và thách thức không khác các nước đang phát triển khác trong việc thực hiện các chương trình chống chuyển giá.

Hành vi chuyển giá phức tạp, thiết chế pháp lý kém gây ra nhiều khó khăn

Như đã phân tích ở những bài trước, chuyển giá là một vấn đề vô cùng phức tạp mà không phải ai cũng có thể hiểu được nó. Các hình thức chuyển giá được thực hiện hết sức đa dạng và tinh vi khiến cho các cơ quan thuế phải rất mất nhiều thời gian và nguồn lực để có thể thu thập thông tin, đọc tài liệu, nghiên cứu và phát hiện ra được.

Bình luận về vấn đề này, Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng: ở Việt Nam, vấn đề chuyển giá vẫn còn mới đối với rất nhiều nhân viên thuế ở cả trung ương lẫn địa phương. Ngay cả nhiều nhân viên thuế chuyên trách cũng cảm thấy đây là vấn đề phức tạp.

Mỗi tình huống chuyển giá thường gặp phải những vấn đề riêng và không hoàn toàn giống nhau. Do đó, các kinh nghiệm ứng phó chuyển giá là quan trọng nhưng cũng không hẳn là yếu tố quyết định. Ở các trường đại học Việt Nam, không có nhiều giờ giảng về chuyển giá cho sinh viên. Thậm chí, nhiều giảng viên Việt Nam cũng thiếu những kiến thức cập nhật về chuyển giá, Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Vẫn theo Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn, theo báo cáo của Tổng cục thuế, năm 2017, cơ quan này đã tiến hành hơn 97.200 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, theo đó số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra đạt gần 18.000 tỉ đồng, giảm khấu trừ hơn 1.630 tỉ đồng, giảm lỗ hơn 34.100 tỉ đồng, thuế nộp vào ngân sách gần 14.400 tỉ đồng.

Trước đó, năm 2016, Tổng Cục thuế cũng đã thanh tra, kiểm tra tại hơn 84.472 doanh nghiệp với số thuế tăng thu được đạt 17.164 tỉ đồng, số tiền thuế nộp ngân sách 11.907 tỉ đồng. Điều này cho thấy vấn đề gian lận thuế ở Việt Nam hiện phổ biến và nghiêm trọng như thế nào. Khi gian lận thuế trở thành một hiện tượng phổ biến mà không thể xử lý tốt nó càng khuyến khích các doanh nghiệp mới và các doanh nghiệp lâu nay tuân thủ thuế tốt làm theo. Điều này khiến cho công tác quản lý thuế trở nên càng khó khăn và thách thức hơn, làm tăng chi phí quản lý thuế cũng như hao tổn các nguồn lực bỏ ra để xử lý nó.

Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, thiết chế pháp lý của Việt Nam cũng còn yếu. Ngoài các lỗ hổng của quy định pháp luật thì năng lực xử lý, chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật còn nhẹ, chưa đủ sức ngăn ngừa và răn đe. Ví dụ nhiều doanh nghiệp nợ thuế kéo dài nhưng cơ quan chức năng không xử lý hình sự được.

Các vụ kiện về thuế thường đi vào bế tắc, tốn kém nhưng không mang lại kết quả tích cực. Hệ thống tòa án thiếu hữu hiệu, thiếu vắng các cơ chế giải quyết tranh chấp cũng như các tranh cãi về thuế. Ngành thuế chưa có chức năng điều tra thuế mà chỉ thanh tra, kiểm tra.

Các quy định của Chính phủ được cải cách theo hướng ngày càng thông thoáng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp làm ăn không chân chính lợi dụng những chính sách thông thoáng đó để trục lợi thuế.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Theo đó, việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp sẽ không được phép vượt quá 1 lần/năm. Quy định này nhằm chấn chỉnh lại tình trạng nhiều cơ quan quản lý nhà nước lạm dụng thẩm quyền, thực hiện thanh tra doanh nghiệp một cách không đồng bộ, thiếu kế hoạch, quá mức cần thiết gây phiền hà và tốn kém cho doanh nghiệp.

Mặc dù quy định này là cần thiết nhưng đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế chuyển giá vốn có nhiều phức tạp thì quy định cứng như vậy đôi khi cũng tạo ra nhiều khó khăn cho cơ quan thuế.

Thiết chế pháp lý kém gây ra nhiều khó khăn trong công tác chống chuyển giá
Thiết chế pháp lý kém gây ra nhiều khó khăn trong công tác chống chuyển giá

Cán bộ chuyên môn thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết

Vấn đề chuyển giá vốn đã phức tạp, việc thiếu kiến thức và các kỹ năng cần thiết càng khiến cho vấn đề trở nên phức tạp hơn nhiều đối với các chuyên viên thuế. Như đã phân tích, ở Việt Nam không phải chuyên viên phụ trách quản lý thuế nào cũng có đủ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng trong việc ứng phó với các hành vi chuyển giá.

Theo Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn các kiến thức được giảng trong trường đại học chủ yếu thiên về lý thuyết và cũng không đủ để người học có thể vận dụng được vào thực tiễn. Hiện tại không có trường đại học nào có môn học chuyên sâu về chuyển giá, thay vào đó chủ yếu là lồng ghép vào một số môn học liên quan như quản lý thuế, kế toán tài chính, kiểm toán, v.v…

Trong các cơ quan thuế ở cả trung ương và địa phương, số cán bộ thuế chuyên trách chống chuyển giá là rất ít. Nhìn chung, trình độ và kinh nghiệm của các chuyên viên thuế ở các cơ quan thuế, đặc biệt là các cơ quan thuế địa phương khá yếu.

Không chỉ đòi hỏi phải có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu về chuyển giá mà các chuyên viên thuế còn cần phải có kiến thức tốt về ngoại ngữ, tin học, và cả kinh tế ngành. Hiện tại hầu hết các cơ quan thuế ở Việt Nam còn thiếu rất nhiều chuyên gia thuế có đủ các yêu cầu này.

Năm 2015, Bộ Tài chính đã thành lập một Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng thuộc Thanh tra Tổng cục Thuế và bốn phòng thanh tra giá chuyển nhượng tại bốn cục thuế ở bốn địa phương lớn của cả nước là Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Tuy nhiên nhìn chung lực lượng cán bộ chuyên trách ở các phòng này vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về trình độ, kinh nghiệm so với khối lượng công việc khổng lồ cũng như các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Ngoài bốn địa phương đã có bộ phận chuyên trách chống chuyển giá, rất nhiều địa phương khác cũng có rất nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động và cũng đối mặt với rất nhiều nghi án chuyển giá đòi hỏi cần có những chuyên viên thuế có năng lực xử lý. Tuy nhiên, do thiếu hụt nhân lực cùng với nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết mà công tác chống chuyển giá ở nhiều cơ quan thuế trong cả nước gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại!

Có thể bạn quan tâm