Chuyện tình của những chiếc xe “chở ký ức”

Một buổi sáng mùa thu trong khu đô thị kiểu mới xinh xắn, có cặp xe 60 tuổi, người cũng tròn 60, thong dong từng vòng quay để hít hà không khí trong lành buổi sớm mai, đón ánh bình minh, lắng nghe tiế
Chuyện tình của những chiếc xe “chở ký ức”

Những chiếc xe chở ký ức, và người sưu tầm hoài niệm từ những vật tưởng chừng đã cũ – ông Đào Xuân Tình và bà Khúc Thị Dậu, nhân vật chính trong bức tranh kia đang kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện tình của xe, của người, của đời, của quá khứ - hiện tại…

Chúng tôi đến thăm chủ nhân của bộ sưu tập 100 chiếc xe Peugeot (người xưa hay gọi xe Pôzô), trong một ngày thu đẹp trời. Ông Đào Xuân Tình là một doanh nhân có đam mê đặc biệt với những đồ vật “đã cũ” như đồng hồ quả lắc, máy hát cổ và nhất là những chiếc xe đạp Peugeot gợi nhớ về một phương tiện xa xỉ của “dân chơi” Hà Thành xưa. Ông cười thật tươi giới thiệu những chiếc xe đạp máy đời đầu của Peugeot với niềm tự hào khó dấu. Ánh mắt, nụ cười, khuôn mặt của ông như đang “khoe” về những đứa con cưng chứ không còn là một thứ phương tiện đơn thuần. Thật vậy, cuộc trò chuyện với ông “Tình cổ” đã cho chúng tôi những điều thú vị. Xe đạp cũng có đôi, cũng có những câu chuyện tình, và nó cũng không chỉ là một thú vui. Nó là nơi thời gian ngừng lại, khẽ khàng chạm nhịp những trái tim thời hiện đại, để ký ức và hiện tại dung hòa, để con người bớt đi guồng quay hối hả mưu sinh…

Khơi nguồn từ chiếc xe Favorit – món quà dành tặng người cha quá cố

Cũng như bao người, ông Tình khao khát làm giàu, không những là của cải vật chất, mà còn là kiến thức và tri thức. Vừa học vừa làm, người con của Gia Lâm xông pha hết trận địa cơ khí của doanh nghiệp Nhà nước, xong lại sang buôn bán hàng điện tử, rồi lập cửa hàng ô tô đã qua sử dụng, rồi thiết kế, xây nhà đến sàn bất động sản…

“Mình còn trẻ, mình phải xông pha, nhận ra thị trường thiếu cái gì là phải làm cho kỳ được bù đắp vào. Đến năm 2001, cụ thân sinh qua đời. Trong khi tất cả tài sản của cụ như sập gụ, tủ chè, bộ tràng kỷ, đồng hồ Odobez (hay gọi là Odo)… còn lưu giữ được hết ở nhà thờ tổ. Chỉ duy nhất một chiếc xe đạp Favorit là không còn. Trong trí nhớ thời thơ bé, chiếc xe được đổi bằng gần một tấn gia cầm cộng với thóc lúa, ấy là chưa kể đăng ký…”

Người con trai nặng lòng thảo hiếu với bậc sinh thành đã đi tìm chiếc xe Favorit ấy, cho dù chỉ là 80% so với nguyên bản ban đầu. Hình ảnh cha mẹ cùng những năm tháng đồng hành với chiếc xe, những kỷ niệm thời thơ bé… như ùa về. Cái niềm hạnh phúc rưng rưng ấy khiến ông Tình nhớ mãi. Và cũng bắt đầu từ đó, ông nhặt từng mẩu thời gian đã trôi qua, từng khung trời đã lùi về dĩ vãng với những chiếc xe đạp Peugeot – thương hiệu gắn liền ký ức của người Hà Thành.

Mang cái tên “Tình” nên trong cuộc đời ông, cái chữ “tình” ấy đều thấm đẫm. Ông thiết kế ngôi nhà trong mơ của chính mình, để rồi ai mua nhà của ông cũng chính là bạn, là tri kỷ. Rồi với xe, ông cũng luôn tìm đôi, tìm bạn để chúng không bị lạc lõng.

Những mối tình “lạ”…

Mang cái tên “Tình” nên trong cuộc đời ông, cái chữ “tình” ấy đều thấm đẫm. Ông thiết kế ngôi nhà trong mơ của chính mình, để rồi ai mua nhà của ông cũng chính là bạn, là tri kỷ. Rồi với xe, ông cũng luôn tìm đôi, tìm bạn để chúng không bị lạc lõng.

Ông Tình nói “mỗi chiếc xe là một câu chuyện dài”. Đó là hành trình của vị doanh nhân dám bỏ thời gian, tiền bạc, công sức nghiên cứu tỉ mỉ từng chi tiết, từng dấu ấn riêng biệt của thương hiệu xe đạp gắn liền với người dân Hà Nội, và “chỉ người Hà Nội mới trân trọng Peugeot đến thế”. Đó là những gian nan vượt qua mọi cách trở địa lý, cứ ở đâu có thông tin về những chiếc xe Peugeot sản xuất từ Pháp là ông lại lên đường. Không chỉ trên đất nước Việt Nam, mà còn là châu Âu xa xôi, là Tây Đức, là Pháp, là Tiệp Khắc…

Ông nhớ lại chiếc xe đầu tiên trong bộ sưu tập của mình, đó là chiếc Peugeot nam sản xuất năm 1950 vẫn còn hơn 80% nguyên bản. Giá trị của nó hồi ấy tầm 30 triệu – có thể mua được một căn nhà nhỏ ở Hà Nội. “Cảm giác sở hữu được chiếc xe trông bề ngoài không được bắt mắt như dòng xe hiện hành nhưng mà trong tim thì “đã” lắm, thích thú, hạnh phúc lắm. Chiếc xe vẫn còn nguyên như ngày đầu sản xuất, chưa từng thay thế, chưa từng sửa chữa, tác động gì”.

Đam mê lớn dần theo thời gian và “cái tình” với xe nó cũng dần trở nên như máu thịt. Con người, con vật, tất thảy sinh ra đều có đôi, có cộng đồng. Những chiếc xe cũng vậy. Thế nên, khi sưu tập xe, ông Tình không chạy theo số lượng hay theo xu hướng mà như “ông tơ bà nguyệt” chăm chỉ “se duyên” cho những chiếc xe, rồi tìm “hội bạn thân” cho chúng. Chiếc xe nam 1950 ấy cần một chiếc xe nữ cùng đời, cùng dòng, cùng màu… Để kiếm được cái xe Peugeot vốn không dễ, tìm được cái xe cùng đôi với nó lại càng khó hơn. Nhất là nó cũng cùng chất lượng, ví như xe nam mới tầm 80% thì xe nữ cũng phải tương đương như vậy.

Rất lâu sau, nghe tin ở Tây Đức có chiếc xe nữ cùng đời, ông lặn lội sang đó. Tìm được địa chỉ, nhưng người chủ xe không muốn bán. Ông đến lần một, lần hai, lần ba, rồi đến lần thứ tư, người ta thấy được tấm lòng của ông với xe, đã chịu bán với cái giá rẻ hơn thị trường rất nhiều. “Người châu Âu quý trọng những ai muốn lưu giữ chứ không thích mục đích thương mại”. Ông đã tìm được “bạn đời” cho chiếc xe nam 1950, và cũng trong lần đó, ông tìm được chiếc xe sinh nhật tròn 100 năm tuổi vào ngày 01/01/2018.

Khi sưu tập xe, ông Tình không chạy theo số lượng hay theo xu hướng mà như “ông tơ bà nguyệt” chăm chỉ “se duyên” cho những chiếc xe, rồi tìm “hội bạn thân” cho chúng.

Không chỉ là thú vui…

Bộ sưu tập của “Tình” cổ không chỉ là thú vui như nhiều người vẫn nghĩ. Đó còn là sợi dây nối kết để những con người xa lạ ngồi lại với nhau, tâm sự về những gì khó khăn trong đời, cùng nhau ôn lại những năm tháng có cùng ký ức, chung những hồi tưởng và tôn vinh các giá trị truyền thống…

Đối với những người trẻ, đó lại là một sự ngược dòng vô cùng đáng giá để thấy được một thời cha ông đã từng sống. Peugeot cũng từng sắm vai trò là phương tiện xa xỉ, đẳng cấp của người Hà Nội. Người đi trên xe ưỡn ngực, ngẩng cao đầu hãnh diện. Ông Tình từng xúc động khi: “Có một chàng trai trẻ khi đến nhà tôi chơi, và thấy những chiếc xe này thì reo lên như thấy được thần tượng. Cậu nằm, bò, sờ, nắn từng chi tiết của chiếc xe nhiều tuổi nhất. Tôi không thấy sự tò mò ở đó, mà tôi thấy sự hứng thú chan chứa trong ánh mắt. Cậu chàng thao thao với tôi về chiếc xe mà giống như giữa chúng tôi còn có thêm một người nữa vậy”.

Sắp tới ông Tình tặng lại cặp xe năm 1950 cho Bảo tàng lịch sử Quốc gia, để chúng hoàn thành vai trò cầu nối này.

Hiện nay, những người đam mê xe cổ rất nhiều, thậm chí là xu hướng. Nhưng cầu kỳ và tôn trọng xe như con người thì chắc khó ai như ông Tình. Không những chăm xe không bị mai mòn theo năm tháng, ông còn đưa xe ra đường, để xe hòa nhập với xã hội hiện đại. Kết thúc mỗi ngày, ông Tình lên style thời trang “chất” xưa cho ngày hôm sau. 5 rưỡi đến 6 rưỡi, khoảng thời gian đẹp nhất đón bình minh, hai ông bà cùng đạp xe, để hít căng lồng ngực cái thiên nhiên ban tặng.

Ngày đầu năm Mậu Tuất, ông tổ chức sinh nhật tròn 100 năm tuổi cho chiếc xe Peugeot sản xuất năm 1918. Ông nói: “Không gì ý nghĩa hơn ngày đầu năm mới, tỉnh dậy sớm, mặc bộ áo quần thật đẹp, đạp xe ra đường để nhận lấy không gian phúc lộc. Tôi nói nhỏ với chiếc xe – hãy lắng nghe cuộc sống và thiên nhiên xung quanh. Chúc mừng bạn đã có 100 năm thật ý nghĩa!... Xe cũng như cảm nhận được những suy nghĩ của tôi và  cũng được hít thở không khí trong lành. Có lẽ đó cũng cách tôi có thể mang lại hạnh phúc cho nó”.

Không chỉ vợ chồng ông Tình, CLB Nữ doanh nhân tham dự Hội nghị Phụ nữ Thượng đỉnh Toàn cầu cũng thường xuyên tổ chức những cuộc hội họp, chia sẻ và sau cùng là thưởng ngoạn với xe Peugeot. Tà áo dài thấp thoáng bay trong gió, những nữ doanh nhân khi ấy trở thành thiếu nữ đôi mươi của thời trước, đẹp và tinh tế vô cùng.

Hay những người bạn của ông Tình, đạp xe rồi đi chơi thể thao, sau đó dừng một công viên, chơi cờ tướng, luận chuyện đời, âu cũng là một cái thú mà nửa cuộc đời phấn đấu đã qua chẳng thế có được. Hơn nữa, cũng có những người như ông năm nào, đi tìm xe “cũ” làm món quà tri ân “tổ tiên” của mình, hoặc đơn thuần muốn lưu lại khoảng hoài niệm không thể nào quên…

 “Có tâm chơi chữ, chơi tranh

Có tâm sưu tập sứ, sành, đồ xưa…

Có tài bình, xét thật hư

Đam mê thưởng ngoạn tìm mua trưng bày

Thú chơi đẳng cấp xưa nay,

Mỗi người mỗi vẻ, cùng say sưu tầm”.

Lời thơ của một tác giả viết tặng ông Đào Xuân Tình có lẽ thay cho rất nhiều điều muốn nói về ông, về cái thú của Tình “cổ” và những giá trị đằng sau những chiếc xe.

Bài: Trần Én

Ảnh: Diệu Hằng

>> Ông Đào Xuân Tình được trao kỷ lục Quốc gia cho bộ sưu tập hơn 100 chiếc xe đạp Peugeot Pháp

Có thể bạn quan tâm