Cổ đông lớn "chạy vốn" trước khi Yeah1 lên sàn?

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và DFJ VinaCapital là hai cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Yeah1 đã bán bớt tổng cộng gần 9 triệu cổ phiếu YEG trước ngày lên sàn.
Cổ đông lớn "chạy vốn" trước khi Yeah1 lên sàn?

Được biết, tính đến 31/3/2018, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống sở hữu trên 9,85 triệu cổ phiếu (chiếm 41,4% vốn cổ phần); Quỹ đầu tư mạo hiểm DFJ VinaCapital sở hữu 8,5 triệu cổ phiếu (35,71%); Ancla Assets Ltd nắm gần 3 triệu cổ phiếu (12,5% vốn); còn lại thuộc về các cổ đông khác.

Tuy nhiên, tại bản cáo bạch, tính đến ngày 24/5, Chủ tịch Hội đồng quản trị Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống chỉ còn nắm giữ 7,42 triệu cổ phiếu, tương đương 27,11% vốn và cổ đông lớn là DFJ VinaCapital nắm 1,95 triệu cổ phiếu, tương 7,14% vốn Yeah1.

Như vậy so với tỷ lệ cổ phiếu sở hữu ghi nhận vào ngày 31/3 trước đó, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã bán ra gần 1,1 triệu cổ phiếu, quỹ DFJ VinaCapital đã mạnh tay bán ra hơn 7,5 triệu cổ phiếu.

Trong danh sách cổ đông lớn ngoài ông Tống và DFJ VinaCapital thì quỹ Ancla Assets vẫn tiếp tục sở hữu 12,49% như trước đó. Đồng thời, xuất hiện cổ đông Hồ Ngọc Tấn vào danh sách cổ đông lớn của Yeah1 với sở hữu 3,9 triệu cp (14,28% vốn cổ phần).

Tổng cộng 4 cổ đông lớn này đang nắm giữ 61% vốn, thấp hơn nhiều so với con số 89,6% vốn mà 3 cổ đông lớn đã sở hữu trước đó.

"Đáng chú ý, theo quy định khi lên sàn, cổ đông nội bộ và cổ đông lớn sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong thời hạn 6 tháng. Do đó, đây có thể là động thái “chạy vốn” của 2 cổ đông lớn này.

Đây là điều khá bất ngờ đối với các cổ đông bởi, cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 chính thức lên giao dịch trên sàn TP.HCM, với mức giá tham chiếu 250.000 đồng, lập tức tăng kịch biên độ 20% lên 300.000 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 26/6.

Tại mức giá này, vốn hóa YEG đạt 8.200 tỷ đồng. Giá trị tài sản của các cổ đông lớn Yeah1 như ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đạt 2.227 tỷ đồng, ông Hồ Ngọc Tấn Đạt 1.173 tỷ đồng, cổ đông Ancla Asset sở hữu tương đương 1.025 tỷ đồng…

Không rõ số cổ phiếu này đã được bán cho ai? với mức giá nào? và mục đích của việc "tháo chạy" này là gì?. Tuy nhiên, với định giá ngày chào sàn, nhiều nhà đầu tư cho rằng, các cổ đông này sẽ không bán giá thấp hơn 250.000 đồng/cp.

Cũng theo bản cáo bạch, để thực hiện kế hoạch kinh doanh sau niêm yết, công ty dự kiến phát hành 3,57 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, tăng vốn lên 273,7 tỷ đồng.

Sau đó, công ty sẽ phát hành riêng lẻ hơn 3,9 triệu cổ phiếu cho Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, với giá 300.000 đồng/cp.Việc phát hành đã được ĐHĐCĐ ngày 10/4/2018 thông qua.

Số tiền kỳ vọng thu về đạt 100 triệu USD, chủ yếu được dùng để đầu tư phát triển mảng kỹ thuật số và thương mại truyền thông. Thời gian phát hành trong cuối quý II hoặc đầu quý III/2018.

Trước đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của CTCK Maybank - KimEng Việt Nam cũng bày tỏ ngạc nhiên về giá chào sàn của Yeah1. Theo ông, so với lợi nhuận đạt được thì giá cổ phiếu quá "khủng".

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp khi đưa cổ phiếu lên sàn đã đẩy giá lên cao ngất. Sau đó phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược hoặc chia thưởng cho cổ đông để tăng vốn và giá tự động chia xuống thấp, làm cho nhà đầu tư mới nhìn vào tưởng rẻ.

Do đó, theo một chuyên gia kinh tế nhận định với một doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông cô đặc như Yeah1, thì khả năng bị làm giá là rất cao, nhà đầu tư nhỏ lẻ mua vào "chỉ có từ lỗ đến lỗ". 

>> Yeah 1 chào sàn HoSE tăng trần lên đến 300.000 đồng/cổ phần

Có thể bạn quan tâm