Có hay không việc doanh nghiệp làm 10 đồng đóng thuế 4 đồng?

Bà Vũ Thị Lưu Mai, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khẳng định, mức đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách của Việt Nam thấp hơn nhiều nước.
Có hay không việc doanh nghiệp làm 10 đồng đóng thuế 4 đồng?

Hiện, nhiều ý kiến cho rằng, nghĩa vụ đóng góp tài chính vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp quá cao, không tạo điều kiện để tích tụ vốn, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp làm được 10 đồng phải nộp thuế 4 đồng. Bà có đồng tình với nhận định này không?

Là người làm việc tại cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và việc thực hiện chính sách tài chính, ngân sách, tôi khẳng định, mức độ đóng góp vào ngân sách của doanh nghiệp Việt Nam không hề cao, thậm chí thấp hơn so với nhiều nước.

Tỷ trọng tổng số thu ngân sách nhà nước trên GDP của Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015 là 23,3%, trong khi đó tỷ trọng này của Thái Lan là 23%, Indonesia là 16,6%, Lào 23,4%, Malaysia là 24,5%, Ấn Độ là 19,5%... Nếu nhìn vào số liệu này, thì có thể thấy doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách khá cao, nhưng cần lưu ý, ở các nước trên thế giới, thu ngân sách nhà nước chỉ bao gồm thuế, phí. Còn ở Việt Nam, khoản thu từ dầu thô, tiền sử dụng đất, tiền bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cũng tính vào thu ngân sách nhà nước, vì vậy nếu loại các khoản thu này thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam vào khoảng 15,6%.

Điều đáng lưu ý nữa là thuế suất của từng sắc thuế ở Việt Nam ngày càng giảm. Cụ thể, nếu từ năm 2004 trở về trước, doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất phổ thông 32%, thì kể từ năm 2004 giảm xuống còn 28% và còn 25% vào năm 2009. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tiếp tục được giảm xuống 22% kể từ năm 2014 và 20% kể từ ngày 1/1/2016. Trong khi đó, Philippines áp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 30%; Thái Lan, Trung Quốc 25%, Malaysia 25%...; bình quân trên thế giới là 27%.

Đối với thuế giá trị gia tăng, hiện Việt Nam áp mức thuế phổ thông 10%. Trong khi đó, hiện có 88/112 nền kinh tế áp mức thuế suất tăng phổ thông từ 12% đến 25%. Thuế thu nhập cá nhân cũng liên tục được điều chỉnh giảm bằng hình thức nâng mức khởi điểm chịu thuế, nâng mức chiết trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

Chưa tính đến các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế, gia hạn nộp thuế, chỉ tính thuế suất thuế phổ thông, phải khẳng định rằng, thuế của Việt Nam thuộc hàng hấp dẫn nhất.

Doanh nghiệp lại không cho là như vậy, thưa bà?

Doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước qua thuế không cao, còn các khoản phí, lệ phí cũng không nhiều. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2017, có 26 khoản phí, 68 khoản lệ phí được bãi bỏ; 45 khoản phí chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công.

Ngoài thuế, phí, lệ phí, doanh nghiệp còn phải đóng phí công đoàn; bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Tổng cộng các khoản này là 23,5% tổng quỹ lương, nhưng không phải là đóng góp vào ngân sách nhà nước, mà là các khoản nhằm bảo đảm chính sách an sinh cho người lao động. Vì vậy, nếu gộp cả những khoản đóng góp này để cho rằng “doanh nghiệp làm 10 đồng, nộp ngân sách 4 đồng” là không chính xác.

Nhưng nếu cộng tất cả các nghĩa vụ tài chính thì doanh nghiệp phải chi phí một tỷ lệ khá lớn so với thu nhập?

Vì vậy, Chính phủ đã quyết định giảm mức đóng góp vào Quỹ bảo hiểm xã hội cho người sử dụng lao động từ 18% xuống còn 17,5% (tính trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động) và giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp với người sử dụng từ 1% xuống 0,5% kể từ ngày 1/6/2017.

Chỉ tính riêng 2 khoản này, mỗi năm, doanh nghiệp sẽ giảm chi phí khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng. Hành động này đã chứng minh Chính phủ thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp, luôn hỗ trợ, sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, dù số doanh nghiệp than phiền về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính không nhiều lắm.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, theo bà, Bộ Tài chính có nên tính đến phương án trình Quốc hội ban hành nghị quyết miễn, giảm thuế cho một số đối tượng như đã từng làm?

Từ năm 2008 đến nay, Quốc hội đã ban hành 6 nghị quyết về miễn, giảm thuế cho một số đối tượng. Không thể phủ nhận rằng, các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế đã phát huy tác dụng nhất định và góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước và góp phần giải quyết nhiều vấn đề mang tính xã hội.

Tuy nhiên, chính sách này cần phải hạn chế thực hiện và không nên ban hành trong giai đoạn này. Trước hết, doanh nghiệp hiện không khó khăn như nhiều giai đoạn trước đây, minh chứng là tỷ lệ doanh nghiệp có thu nhập (có lợi nhuận)/tổng số doanh nghiệp cao hơn trước đây rất nhiều.

Thứ hai, chính sách này không bảo đảm công bằng vì chỉ doanh nghiệp có thu nhập mới được hưởng miễn, giảm, gia hạn.

Thứ ba, đối tượng gia hạn, miễn, giảm quá rộng, nên hiệu quả không cao vì hỗ trợ không có trọng tâm, trọng điểm, trở thành chính sách đại trà, phổ biến, không còn mang tính chất động viên, khích lệ.

Thứ tư, như tôi đã nói, khảo sát của nhiều cơ quan, tổ chức cho thấy, nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước không phải là mối bận tâm lớn nhất của doanh nghiệp, mà doanh nghiệp mong chờ các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để tiếp cận mặt bằng, đào tạo, xúc tiến thương mại, tín dụng, khoa học - công nghệ…

Theo Báo đầu tư

Có thể bạn quan tâm