Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước năm 2017 sẽ thay đổi về "chất"

Thay vì du di, tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành danh mục quy định "tên tuổi" rõ từng doanh nghiệp và nêu cụ thể Nhà nước nắm giữ bao nhiêu phần trăm vốn tại doanh nghiệp đó.
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước năm 2017 sẽ thay đổi về "chất"

Tư tưởng thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, theo lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ “không có chuyện lùi,” và hy vọng sẽ có thay đổi về chất kể từ năm 2017.

Đó là một vài trao đổi thẳng thắn của ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính trong những ngày cuối cùng của năm cũ khi nói về câu chuyện dài kỳ mang tên: cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Càng trốn niêm yết, càng có vấn đề

- Giai đoạn 2011-2015, chúng ta đã sắp xếp cổ phần hóa được 588 doanh nghiêp. Tới năm 2016, mới có 56 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Ông đánh giá sao về tiến độ này?

Về cơ bản các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện đúng đề án tái cơ cấu trong giai đoạn 2011-2015. Trong khi Thủ tướng Chính phủ đang rà soát lĩnh vực doanh nghiệp phải sắp xếp cổ phần hóa thì các doanh nghiệp Nhà nước trong 2016 vẫn tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt sắp xếp tái cơ cấu. Đề án mới gắn với tiêu chí mới hiện đang rà soát và sẽ ban hành năm 2017.

56 doanh nghiệp trong năm 2016 không nhiều về số lượng nhưng so với giai đoạn trước, nhất là thời kỳ khởi động của giai đoạn 2011-2015 thì khác hẳn.

Vấn đề là doanh nghiệp cổ phần hóa lần này là các tập đoàn lớn trong đó các các tập đoàn ta đang cổ phần hóa như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Nếu tiến độ như trước thì cổ phần hóa tập đoàn này có thể mất 2-3 năm nhưng hiện có thể đúng 18 tháng.

Tất nhiên, quá trình cổ phần hóa cũng có tồn tại là việc không đồng nhất, nơi mạnh nơi yếu. Hai là cổ phần hóa hiện mới về lượng chứ chất chưa nhiều. Năm 2016, tình hình này có tiến bộ hơn. Tới năm 2017, chúng ta sẽ tập trung vào chất lượng. Vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp phải giảm tối đa dành cho các cổ đông khác vào.

"Mục tiêu của Chính phủ là đưa doanh nghiệp lên thị trường để công khai minh bạch. Anh nào càng trốn niêm yết chứng tỏ có vấn đề về quản trị. Không phải họ không có quản trị mà có thể cá nhân lãnh đạo sợ mất lợi ích.

- Ông có nhắc tới việc tăng “chất” trong năm 2017. Vậy làm sao để thực hiện được việc này và việc giám sát từ cơ quan chức năng sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?

Không chỉ từ năm 2017 mà trước đó, trong các phương án cổ phần hóa, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh lại tiêu chí theo hướng công khai các doanh nghiệp và vốn Nhà nước cần giữ. Nếu công bố công khai rồi thì doanh nghiệp không thể điều chỉnh. Nếu không, như giai đoạn trước, công bố phương án cổ phần hóa trình Chính phủ rồi thì các đơn vị lại đề nghị cho tỷ lệ giữ lại tạm thời.

Hai là trong quá trình bán, chúng ta đổi mới cách bán. Chúng ta phải đề nghị bán đấu giá công khai và đổi mới cách thức chào bán, không chỉ là một phương pháp bán. Theo tôi, công khai thông tin cũng phải đảm bảo tốt hơn. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có thể không cần khống chế, như vậy, số lượng người mua sẽ đông hơn.

Ba là cổ phần hóa không nhất thiết phải bán ngay mà có thể làm lần lượt. Mục tiêu của Chính phủ không phải bán ngay mà làm trong cả giai đoạn 2016-2020. Khi bán, tùy thuộc thị trường, có thể niêm yết rồi lại tiếp tục bán để đảm bảo hiệu quả.

Tôi cho rằng, thị trường Việt Nam còn bé, nếu ta không có động thái mở rộng thị trường thu hút vốn đầu tư bên ngoài thì không thể hấp thụ hết được số doanh nghiệp cổ phần tới năm 2020.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có thể sẽ chỉ mất 18 tháng để hoàn tất cổ phần hóa

Làm sao đả thông tư tưởng?

- Chất lượng thoái vốn bị cho là vẫn thấp Nhà nước vẫn nắm giữ tới 92% vốn tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Việc thoái vốn sắp tới sẽ có gì thay đổi thưa ông?

Đúng là trong quá trình cổ phần hóa, cũng có doanh nghiệp bán hết nhưng bình quân là 8%. Vấn đề ở đây ta phải thấy có nhiều nguyên nhân. Một là công tác chuẩn bị cổ phần hóa chưa tốt dẫn tới thông tin đưa ra không rõ ràng nên doanh nghiệp không mua được.

Ngoài ra, tỷ lệ bán ở một số đơn vị thấp trong khi nhà đầu tư muốn mua cao nên không ai mua.

Vấn đề nữa là bản thân các doanh nghiệp không mặn mà cổ phần hóa, không muốn bán được nhiều vì dư âm nhiều tổng công ty sau khi bán hết cho tư nhân thì lãnh đạo thất nghiệp, không có việc nên về bộ. Tư tưởng không thông thì không tổ chức được. Ít nhiều có các đồng chí tổ chức bán thực nhưng lo lúc bán người mua hết thì nguy hiểm.

Như vậy, nguyên nhân có cả về kỹ thuật chuẩn bị, chủ trương bán và cuối cùng là tư tưởng

Giai đoạn này phải có giải pháp. Trước hết, tư tưởng phải đả thông. Tư tưởng là bây giờ không có chuyện lùi nữa. Lần trước ta còn du di, cho phép doanh nghiệp điều chỉnh tỷ lệ.

Vì thế, tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ ra danh mục rõ luôn và không sửa, cứ thế theo tên tuổi quy định tên tuổi rõ ràng. Trước đây, chúng ta chỉ quy định mỗi lĩnh vực giữ bao nhiêu phần trăm vốn Nhà nước nhưng bây giờ ta ghi rõ ra: ông A, ông B giữ bao nhiêu. Đó là giải pháp từ trên xuống dưới, phải làm như thế mới xử lý được.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Vietnam Plus

>> Cổ phần hóa DNNN: Cơ hội vẫn treo trong phương án

Có thể bạn quan tâm