Cổ phiếu Ngân hàng 2018: Động lực từ các ‘tân binh’

HDBank, Techcombank, TPBank… là những cái tên dự kiến sẽ niêm yết trong năm tới tạo thêm cơ hội và thu hút nhà đầu tư.
Cổ phiếu Ngân hàng 2018: Động lực từ các ‘tân binh’

Từ cuối năm 2016, nhiều ngân hàng đã có kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Đến thời điểm hiện tại, đã có 13 ngân hàng đưa cổ phiếu sàn giao dịch chứng khoán tập trung, gồm 10 ngân hàng niêm yết trên HOSE, HNX và 3 ngân hàng trên UPCoM.

6 ngân hàng đang giao dịch trên thị trường OTC là HDBank (HDB), Techcombank (TCB), TPBank (TPB), OceanBank, ABBank, Seabank. Trong đó, HDB, TCB, TPB đã có kế hoạch niêm yết trong năm 2018. Hầu hết các ngân hàng trong nhóm sắp niêm yết là ngân hàng thương mại cổ phần cỡ trung và nhỏ, chất lượng tài sản khá tốt, tốc độ tăng trưởng cao và có vị thế nhất định trên thị trường.

Mặt khác, giá của các cổ phiếu đang niêm yết cũng tăng mạnh trong năm nay với mức tăng trung bình khoảng 30%. Điều này, một mặt thể hiện kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư về các ngân hàng mới niêm yết, mặt khác, tạo động lực cho nhóm ngân hàng trong năm tới khi hệ số định giá (P/B) của một số cổ phiếu mới đã tương đương với các cổ phiếu đã niêm yết.

VCBS cho rằng ngành Ngân hàng còn nhiều tiềm năng trưởng dựa trên: (1) Cầu tín dụng gia tăng nhờ quy mô nền kinh tế được nới rộng cùng tăng trưởng kinh tế khả quan; (2) KQKD khởi sắc nhờ tăng trưởng tín dụng, tập trung vào xu hướng tín dụng bán lẻ giúp các ngân hàng hạn chế rủi ro và gia tăng biên lợi nhuận; (3) Quá trình xử lý nợ xấu tích cực nhờ sự hỗ trợ từ chính sách và nỗ lực của chính ngành ngân hàng; (4) Hàng loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ và NHNN sẽ tạo kỳ vọng cho thị trường về hệ thống ngân hàng đã được lành mạnh hoá và tăng trưởng thực chất.

VCBS cho rằng ngành Ngân hàng tiếp tục duy trì xu hướng tích cực trong năm 2018 nhờ tín dụng tăng trưởng tốt, KQKD các ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ và những chính sách hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngành được NHNN đẩy mạnh.

Trong đó, VCBS đưa ra nhận định về Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu (HNX: ACB), Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (HOSE: VCB).

Với ACB, trích lập dự phòng rủi ro cho 6 công ty liên quan đến Bầu Kiên đã gần hoàn tất, chỉ còn khoảng 600 tỷ đồng, dự kiến việc trích lập sẽ hoàn thành trong năm 2017. VCBS dự báo ACB sẽ hoàn thành tiến trình xử lý nợ của nhóm này trong những năm sau.

Một điểm đáng chú ý là tổng trích lập dự phòng và giá trị tài sản đảm bảo của ACB cho khoản nợ nhóm 6 công ty liên quan đến Bầu Kiên ước tính hơn 6.500 tỷ đồng, trong khi dư nợ gốc chỉ còn 3.548 tỷ đồng. Do vậy, VCBS dự báo sẽ có lượng hoàn nhập dự phòng hoặc thu từ phát mại tài sản bảo đảm được ghi nhận thêm vào bảng cân đối kế toán trong năm 2018.

Mặt khác, ACB cũng sẽ thanh lý tài sản đảm bảo nhằm thúc đẩy thu hồi nợ. Tài sản đảm bảo là bất động sản cho khoản tiền gửi ở 2 ngân hàng GPBank và CBBank cũng đã được ACB tiến hành sang tên và làm các thủ tục thu hồi.

VCBS dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2017 của ACB ở mức 2.678 tỷ đồng, tăng 60%, vượt 21% so với kế hoạch đề ra. Năm 2018, lợi nhuận trước thuế ACB dự kiến đạt 4.117 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với năm 2017.

Đối với Vietcomnbank, VCBS ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2017 có thể đạt 10.227 tỷ đồng, tăng trưởng 20%, vượt kế hoạch 11%. Năm 2018, lãi trước thuế có thể đạt mức 11.869 tỷ đồng, tăng trưởng 16% chỉ tính cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi, chưa kể các khoản lãi từ thoái vốn các tổ chức tín dụng như MBB, OCB…

Theo NDH

>> Cổ phiếu ngân hàng đầu năm sôi động, cuối năm “chờ đợi”

Có thể bạn quan tâm