Cơn đam mê gìn giữ bóng thời gian

Sưu tầm sách là một thú chơi tao nhã, trí thức nhưng cũng vô cùng công phu, kỳ công, tổn hao thời gian và tiền bạc.
Cơn đam mê gìn giữ bóng thời gian

Những bộ sách không định lượng bằng tiền

Sách là tinh hoa trí tuệ của con người, là ấn chứng lịch sử, văn hóa, thời gian của lớp lớp kiếp người. Thế nên, khao khát tìm được những cuốn sách giá trị để đọc, nghiền ngẫm, chia sẻ và lưu giữ của giới mọt sách Việt Nam hiện đại, thật đáng trân trọng.

Truyền thống mua sách, đọc sách, xây dựng tủ sách gia đình nhằm mục đích giáo dục con người và làm phong phú đời sống tinh thần đã có từ rất lâu tại Việt Nam, một đất nước hiếu học và đề cao văn hóa đọc, coi trọng sách vở. Những tủ sách lưu truyền từ đời ông đến đời cha rồi đời con cháu chính là bảo vật của gia đình và dòng họ.

Những bộ sách quý, thấm đầy tinh hoa và trí tuệ, được truyền nối giữa bao thế hệ đều không thể định lượng bằng tiền bạc và là mục tiêu khao khát của những người đam mê sách vở.

Ở một đất nước phải chịu nhiều biến động, thăng trầm mang tính lịch sử và chính trị, số phận của những cuốn sách cũng rất long đong. Sách bị hoại vong, phiêu tán, thất lạc bởi binh lửa can qua, bởi sự thờ ơ của con người trong hoàn cảnh cái đói cồn cào sự đọc, và bởi sự vô minh.

Thế nên, đã có thời, sách bị quăng quật, vứt bỏ vì tính "vô dụng" của nó. Biết bao túi khôn và kết tụ văn hóa, lịch sử đã phải lăn lóc trong gầm giường bụi bặm, trở thành thức ăn của kiến mối hoặc hiến thân cho các mục đích sử dụng tầm thường, ô trọc.

Thú đam mê tốn kém

Cũng nhờ những tâm hồn đam mê sách, nhu cầu lưu giữ những giá trị tinh thần từ sách đem lại mà đời sách sang trang. Cộng đồng của những người yêu sách ngày càng rộng mở, đa dạng về tầng lớp xã hội, tuổi tác, nghề nghiệp và quan điểm tư tưởng.

Họ gặp nhau ở những diễn đàn sách vở tiếng tăm như Sách Xưa hay những cộng đồng yêu sách, đọc sách, trao đổi sách vở trên mạng xã hội để thỏa mãn đam mê và kết nối với những người đồng sở thích. Đến giờ, khó có thể thống kê chính xác có bao nhiêu tín đồ mê sách, sưu tầm sách. Chỉ biết, mức độ lan tỏa ngày càng lớn.

Nhiều người vừa sưu tầm sách, vừa mua bán sách như kế mưu sinh, nhiều người theo đuổi cuộc chơi này vì tình yêu lớn lao đối với sách và giá trị mà cuốn sách đó truyền tải. Họ đã dùng rất nhiều tiền để mua về hàng nghìn cuốn sách về để đọc và lưu trữ.

Tích lũy theo thời gian, số tiền của một người sưu tầm sách có thể lên tới hàng tỉ đồng. Đó quả thực là một đam mê tốn kém, bởi để sở hữu được những cuốn sách quý, người ta không những phải có nhiều tiền, mà còn phải mất công tìm kiếm, săn lùng, có khi phải mất hàng năm, mới có được cuốn sách đó.

Thế nên, rất nhiều người sưu tầm sách gạo cội ở Việt Nam đa phần đều là doanh nhân hoặc là những người kiếm được nhiều tiền và sẵn sàng chi rất nhiều tiền để mua sách. Họ không ham xe cộ nhà cửa, thậm chí, còn có vẻ tuyền toàng, bởi có bao nhiêu tiền, hình như... “cúng” hết vào sách mà khó lòng cưỡng lại được.

Các cụ “mét” sách

Gọi các “cụ” thôi, chứ thực ra các “mét” sách có số má này chưa ở tuổi già, mà cũng đã vừa qua tuổi trẻ, nhưng cả quá trình coi sách như người tình thì hơi quá, có nhẽ phải dùng từ cao hơn nữa, có chút tâm linh, thì mới tương xứng, bởi họ trân trọng từng cuốn sách cũ, sách cổ. Cầm trên tay cuốn sách có dư hương của thời gian xưa cũ, của mùi mốc, của xác những con mối con mọt vô tình ép vào... mà có khi lòng không khỏi bâng khuâng. Nhưng hàng nghìn cuốn sách thế kia, chắc có tới hàng nghìn mối bâng khuâng chăng? Nói vui vậy thôi, chứ nào hãy cùng tôi tới thăm nhà anh Thành Phương - một nhà sưu tầm có tiếng trong giới. Nhà đã không còn là nhà, nhà đã bị trưng thu và xâm chiếm toàn bộ không gian bởi sách. Hàng chục nghìn cuốn sách xưa cũ, quý hiếm đủ thể loại hiện đang “ngự trị” ở nhà anh Phương.

Anh mua rất nhiều sách như thế không phải để bán mua kiếm lời mà là để được đọc, được sống trong thế giới của tri thức, được chạm vào những mốc lịch sử, văn hóa đong đầy trong từng trang sách cũ vàng, tỏa ra mùi thời gian ngai ngái theo từng tay lật.

Sách đối với anh mang giá trị tinh thần hơn là vật chất. Anh không mua bán nhưng sẵn lòng trao đổi, cho mượn hoặc tặng cho những người biết và trân quý giá trị của những cuốn sách mà anh đã phải mất rất nhiều công để có được. Anh chia sẻ với người viết rằng, sung sướng nhất khi mình tìm được những cuốn sách có được thủ bút của tác giả hay chủ nhân của cuốn sách. Anh run run khi ngắm nhìn những dòng thủ bút để di chuyển tâm trạng của mình ngược thời gian về thời điểm dòng chữ xuất hiện nhằm hiểu được tâm tư, cảm xúc, tính cách của chủ thủ bút.

Với anh, cuốn sách đó không chỉ là tác phẩm tinh thần, tư tưởng của tác giả hay chủ nhân cũ của cuốn sách mà còn là phương thức để anh đối thoại, thẩm thấu vào tâm hồn của những người muôn năm trước. Sách đối với anh không phải vật vô tri mà là một thực thể sống vô cùng thú vị.

Có rất nhiều người chia sẻ quan điểm sách vở như cùng anh Phương. Ngoài chuyện mua sách về để đọc, để sống lại với tuổi thơ thèm thuồng sách vở, đọc tất cả mọi thứ có chữ thì họ cũng muốn sưu tập sách để mong gìn giữ di sản quý hiếm này cho mai sau.

Cụ “mét” Kiều, “mét” toàn độc bản

Tôi có ý vui thế với anh Nguyễn Ngọc Long - một mọt sách hạng “mét” trong giới. Anh đã bỏ không biết bao nhiêu tiền để mua các ấn bản truyện Kiều gồm hàng trăm cuốn, bộ cổ văn tịch điển quý giá của Việt Nam do Ủy ban dịch thuật Sài Gòn ấn hành (có 27/30 cuốn), hay những tác phẩm học thuật do viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) xuất bản hoặc tài trợ xuất bản có giá trị rất lớn.

Anh sở hữu rất nhiều cuốn sách quý hiếm mà Việt Nam chỉ có 1 hoặc 2 cuốn, ví dụ như cuốn hồi ký Con Rồng An Nam của Bảo Đại, với thủ bút của vị hoàng đế cuối cùng ở Việt Nam; hay cuốn sách kinh điển của học giả, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm Vương Hổng Sển có tựa đề "Thú Chơi Sách" ở bản đặc biệt, có sửa chữa và đánh số của chính tác giả…

Kho tàng sách của anh Ngọc Long thực sự đồ sộ về mặt số lượng và khối lượng, đơn cử như bộ Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm của EFEO gồm 22 cuốn, nặng hơn 100 kg hay như bộ sưu tập về các gia phả các dòng họ ở Việt Nam với số lượng hàng trăm cuốn. Anh coi rằng đây chính là những tư liệu quý giá cần phải bảo tồn nhằm phục vụ các mục đích nghiên cứu sau này.

Việc giữ gìn những tinh hoa tri thức, kiến thức của ông cha cũng là một sứ mệnh cao quý mà những người sưu tầm sách âm thầm tự nhận lĩnh. Đó là ý thức nảy sinh trong quá trình theo đuổi đam mê sách vở và sưu tầm sách quý, có giá trị. Họ chính là những người tìm kiếm và nâng niu những viên học quý của cha ông ẩn mình trong những trang giấy cũ nát, đã phủ đầy dấu ấn thời gian.

Bài: An Lê

Ảnh: Tạ Quang Bảo

Có thể bạn quan tâm