Còn xăng nhưng không bán: Vì sao không xử lý Hình sự?

Trong quá trình kiểm tra kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng một số tỉnh đã ghi nhận nhiều cây xăng còn xăng nhưng lại tạm ngừng hoạt động, điều này làm ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến thị trường cũng như tâm lý của người dân.

"Găm hàng" tác động tiêu cực đến thị trường và tâm lý người dân

Thời gian qua, thực hiện Công điện khẩn số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng chức năng ở nhiều địa phương trong quá trình kiểm soát thị trường đã phát hiện nhiều cây xăng mặc dù còn xăng nhưng lại đóng cửa không bán, hoặc bán rất nhỏ giọt.

Điển hình như tại Vĩnh Long, thừa lệnh của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Đoàn kiểm tra do Chánh thanh tra Bộ Công Thương - Lê Việt Long làm trưởng đoàn bất ngờ kiểm tra cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Hữu Lộc tại ấp An Hoà, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Trong số 4 trụ cây xăng ở đây có 2 cây xăng A95 hết hàng nhưng 2 cây khác vẫn còn tồn khoảng 7.000 lít xăng E5-RON92 trong bể chứa nhưng vẫn treo biển không bán. Chủ cây xăng lý giải là do đơn vị đầu mối mới cung cấp hàng nên chưa kịp mở bán. Tuy nhiên, với bất cứ lý do gì, tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng là phải truy đến cùng, kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Bởi vì, tình trạng này sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế.

Dù đây chỉ là một trường hợp điển hình của tình trạng "găm hàng" để chờ tăng giá nhằm kiếm lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết xăng dầu là một mặt hàng có vai trò vô cùng quan trọng, tình trạng thiếu nguồn cung xảy ra sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế cũng như tâm lý xã hội.

Bình luận về thực trạng này, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp trường Học viện Tài chính cho rằng: nguồn cung xăng dầu của Việt Nam không thể thiếu. Song, thực tế trong thời gian vừa qua, việc kinh doanh xăng trong nước, đặc biệt là một số tỉnh thành phía Nam bị gián đoạn gây nhiều bức xúc cũng như tâm lý hoang mang.

Theo PGS - TS Thịnh, để giá xăng dầu thị trường trong nước có giá sát với thị trường thế giới thì Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu quy định kỳ điều chỉnh giá xăng dầu là 10 ngày 1 lần (vào các ngày 1, 10 và 20 hàng tháng). Nhưng kỳ điều chỉnh vào ngày 1/2 vừa qua không điều chỉnh, trong khi tình hình thị trường thế giới đang tăng giá rất mạnh dẫn tới việc chênh lệch giá lớn khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không mặn mà việc bán xăng dầu, thậm chí bị lỗ khi bán xăng dầu ra thị trường.

Hơn nữa, trước đó Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thông báo giảm sản lượng và có thể dừng hoạt động do khó khăn về tình hình tài chính đã dẫn đến tâm lý khan hiếm xăng dầu trong thời gian tới khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có tâm thế "găm hàng" chờ tăng giá.

Đồng tình quan điểm đó, một chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng việc dừng điều hành kỳ 1/2 không phù hợp trong điều kiện tình hình thị trường có biến động mạnh theo hướng tăng giá, trong khi vấn đề căng thẳng nguồn cung đang "đe dọa" đến cung cầu thị trường.

PGS -TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, để xảy ra tình trạng gián đoạn như vừa qua, trách nhiệm lớn thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ Công thương. Bởi Bộ Công thương là cơ quan nhà nước được giao trách nhiệm quản lý và điều chỉnh giá xăng dầu. Theo quy định 10 ngày điều chỉnh giá tuy nhiên quá 10 ngày không điều chỉnh, trong khi giá xăng dầu thế giới biến động không ngừng. Bên cạnh đó, thực tế chúng ta không phải thiếu nguồn cung, Bộ Công thương phải có trách nhiệm kịp thời phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến, giải thích đến người dân và doanh nghiệp để tránh những tin đồn bất lợi, gây tâm lý hoang mang.

Nhiều cây xăng "găm hàng" chờ tăng giá nhằm trục lợi
Nhiều cây xăng "găm hàng" chờ tăng giá nhằm trục lợi

Vì sao ít xử lý hình sự?

Bàn về việc xử lý các cửa hàng xăng dầu "găm hàng", nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng hiện mức xử phạt với các doanh nghiệp vi phạm chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính với vài chục triệu đồng, không đủ sức răn đe cho những doanh nghiệp kinh doanh không lành mạnh, làm giảm tính cạnh tranh của thị trường.

Phân tích cụ thể, Luật sư Lê Cao - Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho rằng việc kinh doanh xăng, dầu thành phẩm vốn là một mặt hàng có vai trò quan trọng đặc thù, là mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá. Tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi, hậu quả, thiệt hại mà hành vi gây ra, động cơ, mục đích… mà tổ chức, cá nhân thực hiện có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Luật sư Cao, điều 35 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Như vậy, đối với một số biểu hiện ngừng bán hàng, không bán hàng, giảm lượng hàng bán ra, giảm thời gian bán hàng… thì chỉ có thể xử lý hành chính như vậy.

Vẫn theo Luật sư Cao, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội "Đầu cơ" theo Điều 196 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi. Theo đó, Điều 196 có nêu “Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính” thì có thể bị phạt tiền tùy mức độ vi phạm hoặc bị phạt tù với mức cao nhất lên đến 15 năm tù.

Nhưng, trong nhiều trường hợp rất khó để nhận biết được mục đích bên trong của các hành vi ngừng bán hàng, không bán hàng, giảm lượng hàng bán ra, giảm thời gian bán hàng… là nhằm găm hàng lại để khi giá cao lên bán kiếm lời bất chính.

Luật sư Cao phân tích, việc một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có những biểu hiện găm hàng để trục lợi là điều tiêu cực ảnh hưởng đến người tiêu dùng, cần có các quy định xử lý mạnh mẽ về phương diện xử lý hành chính với những hình phạt bổ sung như tước giấy phép, cấm kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự để ngăn chặn cung cách găm hàng đợi giá cao bán ra để hưởng lợi. Tuy nhiên, muốn có cơ sở xử lý thì phải được quy định rõ ràng trong các văn bản quy phạm để có thể xử lý.

Việc găm hàng, nói dối hết hàng, không bán … có thể là biểu hiện của một thủ đoạn gian dối của các doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, và do đó cần xem xét có hướng áp dụng điều luật này để xử lý trách nhiệm hình sự nhằm tăng cường xử lý được các biểu hiện trục lợi phi pháp, Luật sư Cao kiến nghị.

Bên cạnh giải pháp trên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng để đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự ổn định của thị trường xăng dầu trong nước, cơ quan chức năng phải tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các đối tượng có hành vi vi phạm.

Có thể bạn quan tâm