Công bố quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050

Ngày 15/9, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức công bố trực tuyến quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454 ngày 1/9 vừa qua.
Công bố quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, quy hoạch được Bộ Giao thông vận tải lập dựa trên việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi 63 địa phương, 16 bộ và cơ quan ngang bộ, các cơ quan, tổ chức, ý kiến hội đồng thẩm định, ý kiến Thường trực Chính phủ.

Quy hoạch đường bộ đã bám sát chủ trương và định hướng văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Đại hội lần thứ XII, XIII và tuân thủ Luật Quy hoạch.

Về kết cấu hạ tầng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, thực hiện quy hoạch sẽ hình thành hệ thống đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển và cảng hàng không cửa ngõ quốc tế. Đồng thời sẽ từng bước nâng cấp các quốc lộ đạt chuẩn.

Theo đó, đến năm 2030 hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc và 172 tuyến quốc lộ, tổng chiều dài gần 29.800 km. Đến năm 2050 hình thành 41 tuyến với hơn 9.000 km cao tốc. Đồng thời quy hoạch đường ven biển vào hệ thống quốc lộ.

Điều chỉnh điểm đầu, cuối cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Điều chỉnh về chiều dài và quy mô đối với cao tốc vành đai đô thị Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, tùy theo nhu cầu phát triển đô thị, có thể đi trên cao một số đoạn.

Đối với vận tải, quy hoạch phấn đầu khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 2,76 tỷ tấn, chiếm 62,80% thị phần vận tải toàn ngành. Vận tải hành khách đạt 9,4 tỷ lượt hành khách, chiếm 90,16% thị phần.

Quy hoạch cũng chú trọng đến vai trò của vận tải đường bộ là phương thức linh hoạt, hiệu quả đối với cự ly ngắn và trung bình (dưới 300 km), hỗ trợ gom, giải tỏa hàng hóa, hành khách cho các phương thức vận tải khác...

Quy hoạch còn cho phép có thể điều chỉnh tiến độ đầu tư các tuyến đường nếu các địa phương nhận thấy nhu cầu cần thiết đầu tư sớm hơn và có thể thu xếp nguồn lực để triển khai thực hiện; hoặc khi địa phương có nhu cầu mở rộng quốc lộ đi qua địa bàn đã được quy hoạch đô thị sẽ phối hợp nguồn vốn theo hướng trung ương đầu tư phần quy mô theo quy hoạch, địa phương đầu tư phần mở rộng.

Về nguồn vốn đầu tư, quy hoạch xác định huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư đường bộ cao tốc. Theo đó, các dự án chủ yếu triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), vốn ngân sách nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ...

Có thể bạn quan tâm