Công ty GENTIS tạm dừng nhận mẫu và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại chung cư 249A Thụy Khuê

Công ty Cổ phần Dịch vụ Phân tích Di Truyền vừa ra thông báo về việc tạm dừng nhận mẫu và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Phòng xét nghiên quốc tế GENTIS.
Công ty GENTIS tạm dừng nhận mẫu và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại chung cư 249A Thụy Khuê

Theo đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Phân tích Di Truyền đã ra thông báo: Kể từ ngày 23/08/2021 sẽ dừng mọi hoạt động nhận mẫu và thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật RT – PCR đối với xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Phòng xét nghiệm quốc tế GENTIS tại Tầng 2, tòa nhà HCMCC, 249A Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

“Việc tiếp tục hoạt động xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Phòng xét nghiệm quốc tế GENTIS sẽ được thực hiện khi có yêu cầu huy động nguồn lực, sự chỉ đạo từ UBND Thành phố Hà Nội và đơn vị chủ quản là Sở Y tế Hà Nội” - Thông báo của Công ty Cổ phần Dịch vụ Phân tích Di Truyền nêu rõ.

Về việc có nên đặt phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 tại khu chung cư và văn phòng, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội với báo chí cho thấy, việc xử lý rác thải ở các phòng xét nghiệm là một vấn đề rất quan trọng, bởi chất thải có khả năng lây nhiễm dịch bệnh rất cao nếu xử lý không đúng quy trình.

Theo quy định về quy trình xử lý rác thải, chất thải rắn phải được hấp khử khuẩn trước khi bỏ vào thùng màu vàng và phải có nắp đậy. Còn đối với chất thải lỏng, máy hoặc thùng xử lý nước thải phải được thông tin rõ về công nghệ sử dụng, quy trình hướng dẫn sử dụng.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho biết, không nên đặt phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 tại khu chung cư và văn phòng - nơi có mật độ cư dân đông đúc.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc triển khai xét nghiệm RT-PCR chuẩn đoán SARS-CoV-2 không nêu rõ điều kiện về địa điểm phòng xét nghiệm nhưng hướng dẫn này là cho các cơ sở y tế.

Việc đặt phòng xét nghiệm bên trong các toà chung cư là không phù hợp, sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh cho cư dân trong toà nhà bởi 3 lý do chính sau đây:

Thứ nhất, nhân viên lấy mẫu và nhân viên xét nghiệm là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, trong khi họ là những người thường xuyên ra vào toà nhà. Thứ hai, bệnh phẩm được vận chuyển theo lối đi chung của toà nhà. Thứ ba, khả năng phát tán tác nhân gây bệnh qua chất thải rắn và lỏng.

“Theo quy định, chất thải rắn y tế lây nhiễm phát sinh từ phòng xét nghiệm RT-PCR phải được hấp khử khuẩn tại chỗ trước khi thu gom, vận chuyển và xử lý như chất thải lây nhiễm khác. Cơ sở phát sinh nước thải lây nhiễm phải đăng ký chủ nguồn phát thải với cơ quan quản lý môi trường và xử lý theo quy định” - ông Hùng lưu ý.

Trước đó, hàng trăm hộ dân tại khu văn phòng và chung cư 249A đường Thụy Khuê đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi các Sở Y tế và các đơn vị liên quan về việc phòng xét nghiệm của Công ty cổ phần Dịch vụ Phân tích di truyền được đặt tại đây, mỗi ngày thực hiện hàng nghìn mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Đơn kiến nghị nêu: Phòng xét nghiệm quốc tế đặt tại tầng 2, tầng 14 và khu thấp tầng của tòa nhà đang hoạt động xét nghiệm SARS-CoV-2, hàng chục nhân viên ra vào hàng ngày, thường xuyên đi lấy mẫu tại vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. Cư dân lo lắng việc này gây nguy cơ lây lan vi rút SARS-CoV-2 trong khu dân cư, đặc biệt là biến chủng mới Delta đang âm ỉ trong cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm