Cuộc chạy đua của Vietcombank và VPBank

Dường như VCB và VPB đang chạy đua xem ai là người dẫn đầu trên thị trường cổ phiếu ngân hàng…
Cuộc chạy đua của Vietcombank và VPBank

Giá cổ phiếu của dòng ngân hàng vẫn ghi nhận xu hướng biến động tích cực suốt từ đầu năm tới nay và những ngày gần đây cũng không là ngoại lệ. Trong số những ngân hàng đã niêm yết, Vietcombank và VPBank đang là hai ngân hàng có giá cổ phiếu dẫn đầu, hiện đã lên trên 40.000 đồng/cổ phiếu.

VPB của VPBank chào sàn với giá 39.000 đồng/cổ phiếu, là cổ phiếu đắt đỏ nhất thời điểm trung tuần tháng 8 năm nay. Sau 2 tháng trồi sụt liên tục nhưng vẫn chưa thể về mức giá ban đầu, VPBank những ngày cuối tháng 10 đã bứt tốc nhanh hơn và vượt qua mốc 40.000 đồng/cổ phiếu. Phiên hôm nay 30/10, giá cổ phiếu này đã lên 41,4 nghìn đồng, qua đó đưa vốn hóa VPB lên trên 61,16 nghìn tỷ đồng – dẫn đầu và đồng thời bỏ xa nhóm các ngân hàng cổ phần tư nhân còn lại.

Trong khi đó với VCB của Vietcombank, tại thời điểm VPBank chưa lên sàn thì đây là cổ phiếu đắt đỏ nhất dòng ngân hàng. Tuy nhiên ngôi vị ấy đã bị VPBank chiếm lĩnh vào ngày 17/8. VCB cũng khá ì ạch quanh vùng 38.000 đồng và phải đến trung tuần tháng 10 này mới vượt qua mốc 40.000 đồng/cổ phiếu – tương đương với VPB. Và đến hôm nay, VCB đã lên trên 42.000 đồng, đắt hơn 1.000 đồng so với giá cổ phiếu của VPBank.

Nếu để ý hơn một chút sẽ dễ dàng nhận thấy, sự biến động của giá cổ phiếu VPBank và Vietcombank khá tương đồng kể từ khi VPB niêm yết tới nay, khiến người ta liên tưởng tới một cuộc đua âm thầm ở ngôi vị dẫn đầu dòng ngân hàng. Và nếu đó là cuộc đua thực sự, thì VCB đến nay đã tạm thời chiến thắng.

Không chỉ là chạy đua về giá cổ phiếu, VPBank – mặc dù là ngân hàng tư nhân và nhỏ bé hơn nhiều – lại đang có những tham vọng ngoài sức tưởng tượng khi muốn sánh ngang với Vietcombank về nhiều thứ, điển hình nhất là lợi nhuận. Trong 9 tháng đầu năm nay, VPBank hợp nhất ghi nhận trên 5.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế còn Vietcombank đã đạt 7.900 tỷ - vượt xa kế hoạch cả năm của VPBank, nhưng Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng muốn lãi khoảng 10.000 tỷ trong năm tới – ngang hàng với người anh cả Vietcombank với “bảo bối” trưng ra là công ty tài chính tiêu dùng Fe Credit.

Trong khi đó Vietcombank vẫn điềm đạm, không thể hiện tham vọng gì nhưng chính điều ấy lại như “thách thức” tất cả các đối thủ cạnh tranh còn lại rằng họ chẳng ngại gì đối thủ nào. Riêng thị trường chứng khoán hiện nay Vietcombank đang là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất, cao gấp hơn 2 lần so với vốn hóa của các ngân hàng nhóm dẫn đầu là VietinBank và BIDV. Lợi nhuận của Vietcombank cũng đang là quán quân. Không chỉ vậy, Vietcombank còn được đánh giá là ngân hàng sạch sẽ, trong hoạt động không tiềm ẩn rủi ro nào đáng kể như một số ngân hàng khác.

Tuy nhiên anh mạnh không có nghĩa là người khác yếu, thỏ chạy nhanh không có nghĩa sẽ về đích trước rùa. Trong xã hội nói chung và hoạt động kinh tế nói riêng, chiến thắng sẽ dành cho những ai biết nắm bắt và tận dụng đúng cơ hội, thời gian sẽ cho câu trả lời chính xác nhất.

Theo Tùng Lâm/ Trí Thức Trẻ

>> Cổ phiếu ngân hàng đầu năm sôi động, cuối năm “chờ đợi”

Có thể bạn quan tâm