Đã đến lúc Việt Nam cần có Luật Kinh tế tuần hoàn

"Luật Kinh tế tuần hoàn sẽ tạo điều kiện hỗ trợ, thu hút, kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, địa phương trong quá trình chuyển đổi sang mô hình KTTH", ông Nguyễn Quang Vinh, TTK Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn Thương Gia.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết "Dù chúng ta chưa có được một bộ luật riêng về Kinh tế tuần hoàn, nhưng đã có nhiều văn bản thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển Kinh tế tuần hoàn".

- Thưa ông, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam sẽ xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, trong một khảo sát về kinh tế tuần hoàn (Kinh tế tuần hoàn) cho biết, có tới 63-71% doanh nghiệp cho rằng, chính sách về Kinh tế tuần hoàn là chưa rõ ràng và 55-65% doanh nghiệp nhận định khung chính sách rất thiếu. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Phải thừa nhận mô hình Kinh tế tuần hoàn mới được thúc đẩy mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Do đó, tại Việt Nam, các thiếu sót về cơ chế chính sách cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, tôi nghĩ, các cơ quan hoạch định chính sách sẽ nghiên cứu, tham khảo và học tập các kinh nghiệm xây dựng luật, đưa luật vào thực tiễn từ các nước đang triển khai, đồng thời điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh và mục tiêu cụ thể trong nước, từ đó mới có thể hoàn thiện và đề xuất một bộ luật Kinh tế tuần hoàn mang tính toàn diện và thích ứng tốt với điều kiện kinh tế, xã hội tại Việt Nam.

Dù chúng ta chưa có được một bộ luật riêng về Kinh tế tuần hoàn, nhưng đã có nhiều văn bản thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển Kinh tế tuần hoàn.

Luật Kinh tế tuần hoàn
Ông Nguyễn Quang Vinh đề xuất cần xây dựng Luật KTTH

Từ 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”, nhằm hình thành ngành công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng các nội dung của nền Kinh tế tuần hoàn. Năm 2020 có “Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030”.Bên cạnh đó là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức luật hóa quy định về Kinh tế tuần hoàn.

Mới đây nhất là Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam chẳng hạn.

Đề án này định hướng phát triển Kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Trong những năm gần đây, VCCI cũng đã tích cực kiến nghị lên Chính phủ những nội dung nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai mô hình Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Những kiến nghị này được đưa ra dựa trên các kiến nghị tại các kỳ Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF).

Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được những đề xuất, kiến nghị mới từ cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và đối tác phát triển để có thể đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang tuần hoàn tại Việt Nam.

- Như ông nói, các mục tiêu đã được đặt ra, nhưng quy định về Kinh tế tuần hoàn vẫn đang tản mát ở nhiều nơi, theo ông, để thực hiện được mục tiêu này, về mặt chính sách, chúng ta nên có những tư duy quản lý như thế nào?

Hiện nay, để thúc đẩy và triển khai mô hình Kinh tế tuần hoàn, nhiều quốc gia trên thế giới đã cải tiến hệ thống pháp luật để thúc đẩy hiệu quả hơn việc xây dựng Kinh tế tuần hoàn.

Ví dụ như Luật Thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn của Trung Quốc có hiệu lực từ 2009. Năm 2012, Đạo luật Kinh tế tuần hoàn đã được thông qua tại Đức. Năm 2016, Phần Lan cũng có “Lộ trình tiến tới Nền Kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2016 – 2025”. Mới đây nhất, Pháp cũng thông qua Luật Phi phát thải (Anti-waste Law) vào năm 2020, hướng đến việc chuyển dịch thành công sang mô hình Kinh tế tuần hoàn.

cần xây dựng Luật KTTH

Tại Việt Nam, các chính sách và hành động thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn trong những năm qua cũng đã được xây dựng và triển khai. Tuy nhiên đúng là chưa có sự thống nhất cao độ, mỗi đạo luật, dự luật, nghị định, thông tư… đều có quy định theo kiểu “mỗi nơi một tý”.

Điều này phần nào đó đã thúc đẩy phát triển Kinh tế tuần hoàn, nhưng cũng không tránh được trường hợp chồng chéo nhau trong thi hành. Chưa kể, việc không thống nhất cụ thể, sẽ gặp khó trong phân bổ ngân sách và huy động nguồn lực để thực hiện.

Do đó, theo tôi, để có thể thực sự tạo nền tảng vững chắc cho Kinh tế tuần hoàn "cất cánh", đã đến lúc chúng ta cần xây dựng riêng một bộ Luật Kinh tế tuần hoàn.

- Ông dự báo nếu Luật Kinh tế tuần hoàn được thông qua, sẽ tác động thế nào đến hoạt động và trách nhiệm của các doanh nghiệp?

Luật Kinh tế tuần hoàn là điều cần thiết nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, thu hút, kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, địa phương trong quá trình chuyển đổi sang mô hình Kinh tế tuần hoàn.

Điều này thể hiện rõ trong Hội nghị Khởi động xây dựng Kế hoạch quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn được Bộ TNMT tổ chức vào tháng 6 vừa qua. Trong hội nghị này, Bộ TNMT xác định Kinh tế tuần hoàn hoàn thiện sẽ tạo các cơ chế, chính sách để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho Kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là từ khâu thiết kế, lập quy hoạch đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời kêu gọi sự hưởng ứng và tham gia tích cực của toàn xã hội, từ thay đổi thói quen tiêu dùng, thải bỏ các sản phẩm đã qua sử dụng đến chấp nhận các sản phẩm sản xuất từ vật liệu tái chế, hay các sản phẩm được làm mới sau khi đã qua một chu trình sử dụng.

Với việc Luật hóa, chúng ta có thể kỳ vọng các quy định, chỉ tiêu như về tiêu thụ năng lượng, thu gom rác và ử lý chất thải, phát thải khí nhà kính… được quy định rõ hơn.

Từ các quy định trên, sẽ có các Nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết cách làm, các thông số cần đạt. Từ đó hình thành nên trục xương sống cho quá trình chuyển đổi và thực hiện mô hình tuần hoàn tại doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, hành lang pháp lý đầy đủ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận cơ chế hỗ trợ về vốn, như phát hành trái phiếu xanh, thu hút FDI. Bên cạnh đó là khả năng tiếp cận công nghệ, xây dựng thị trường cho các sản phẩm được sản xuất theo mô hình kinh doanh tuần hoàn.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm