Đại biểu chất vấn: Giá xe không giảm dù thuế nhập khẩu ô tô đã giảm về 0%

Mặc dù thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm từ 30% xuống 0%, với chức năng quản lý Nhà nước, Bộ Công thương lý giải thế nào về tình trạng bất thường nói trên? Ai là người phải chịu trách nhiệm?
Đại biểu chất vấn: Giá xe không giảm dù thuế nhập khẩu ô tô đã giảm về 0%

Đây là chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trong phiên chất vấn sáng nay 30/10.

ĐBQH Cao Đình Thưởng nói, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay có 32.000 xe ô tô được nhập khẩu về Việt Nam. Trong đó, trên 90% xe được nhập khẩu từ các nước ASEAN, dù thuế nhập khẩu giảm từ 30% xuống 0% nhưng giá xe nhập khẩu từ các nước ASEAN thực chất không giảm, thậm chí một số mẫu xe khách hàng phải chịu giá cao hơn trước đây.

"Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, nhà nước sẽ thất thu thuế, người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế. Chỉ có doanh nghiệp nhập khẩu hưởng lợi lớn. Vậy, với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Công Thương lý giải như thế nào về tình trạng bất thường nói trên, ai là người phải chịu trách nhiệm?", đại biểu chất vấn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu rộng với thế giới, trong quá trình đó, hàng loạt chuỗi hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đàm phán, ký kết và tham gia đều có nội dung quan trọng về cắt giảm hàng rào thuế quan, cũng như đơn giản hoá các thủ tục hành chính.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc đến Hiệp định ký FTA ký với ASEAN quy định từ ngày 1/1/2018 thì hàng rào thuế đối với sản phẩm ô tô là bằng 0. Ông cũng cho biết, sắp tới, chúng ta thực hiện ký kết các hiệp định đều có những nội dung tiếp tục cắt giảm hàng rào thuế quan.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh đây là những cam kết của các nước thành viên trong cắt giảm chung về hàng rào thuế quan nhằm tiếp cận thị trường. Và trong quá trình đàm phán, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Chính phủ cũng đã tính toán làm sao để đảm bảo lợi ích quốc gia, đặc biệt phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nội địa, nhu cầu của người tiêu dùng cũng như  lợi ích và nhu cầu của các doanh nghiệp.

"Vì vậy, bên cạnh việc mở cửa thị trường cho ô tô nội địa thì chúng ta cũng có những điều kiện để tăng cường xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng mà chúng ta có lợi thế", Bộ trưởng nói.

Về vấn đề thuế quan, theo người đứng đầu ngành Công thương, bên cạnh việc cắt giảm thuế quan, Chính phủ cũng có những điều kiện để tăng cường nguồn thu thuế khác từ doanh nghiệp, từ các lĩnh vực sản xuất và nguồn thu khác cho ngân sách nhà nước (NSNN), đó là việc đảm bảo sự cân bằng cho việc tham gia các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết với các nước, trong đó có các nước ASEAN.

Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, qua thống kê từ đầu năm đến nay, nhập khẩu ô tô từ ASEAN vào Việt Nam chưa đến mức độ tăng đột biến trên tổng thể chung của tổng nhập khẩu ô tô hàng năm đối với thị trường nội địa.

“Về cơ bản, chúng ta có quy mô thị trường nội địa khoảng 500 nghìn ô tô và nhập khẩu hàng năm của chúng ta khoảng trên dưới 200 nghìn ô tô nhập khẩu, còn lại là ô tô sản xuất trong nước. Vì vậy tôi cho rằng không có vấn đề lớn đặt ra trong câu chuyện nhập khẩu ô tô hiện nay” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Cao Đình Thưởng tiếp tục chất vấn: “Tôi thấy cử tri rất quan tâm việc nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN trong 1 năm qua. Cử tri chỉ nghĩ đơn giản rằng họ sẽ được thụ hưởng từ việc giảm thuế từ 30% xuống 0%, giá mua xe sẽ thấp hơn khoảng 30%, nhưng thực tế người mua xe phải mua giá thậm chí đắt hơn, rẻ hơn cũng không đáng kể. Vậy theo Bộ trưởng, Nhà nước có thất thu thuế năm 2018 vì nội dung này không? Người dân có bị thiệt hại không, và thiệt hại ấy thì ai chịu trách nhiệm? Doanh nghiệp hưởng lợi thì lợi ấy có gây hụt thu thuế không?

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Tài chính sẽ trả lời câu hỏi này bằng văn bản.

Có thể bạn quan tâm