Đầu bài khó cho giới kinh doanh

Hiện là thời điểm các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2018. Đây là việc năm nào cũng làm, nhưng năm nay, đầu bài mà giới kinh doanh phải giải thực sự quá khó.
Đầu bài khó cho giới kinh doanh

Các đề xuất tăng lương tối thiểu đã được trình, với mức tăng trung bình 6,5% vào đầu 2018. Theo quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội, cũng từ đầu năm 2018, tổng mức nộp thuế, phí bảo hiểm xã hội và công đoàn của doanh nghiệp sẽ vào khoảng 41,7%. Bộ Tài chính cũng đang gửi xin ý kiến sửa đổi một loạt luật thuế, với nhiều mức tăng dự kiến không hề nhỏ.

Trong khi đó, khả năng cắt giảm các loại chi phí từ các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đã được đề xuất mấy năm nay, có vẻ vẫn rất khó. Suốt 3 năm thực hiện các nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, từ năm 2014, mới bỏ được quy định việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Hiện còn chồng chất các đề xuất bãi bỏ, đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành, các loại giấy phép con, giấy phép cháu…

Thậm chí, mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ phải gửi văn bản nhắc UBND TP.Hải Phòng việc thực hiện tinh thần của Nghị quyết 19-2017 và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp sau khi UBND quận Hải An thông báo sẽ xử phạt, dừng cho hàng hóa xuất, nhập khẩu ra vào cảng nếu doanh nghiệp không nộp phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP. Hải Phòng…

Chưa kể, câu chuyện “nuôi gà chỉ mất 40 ngày, nhưng thủ tục để tiêu thụ gà, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà” mà Thủ tướng đã phải nhắc tới trong Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2017 để nói về tầng lớp gánh nặng thủ tục, chi phí đối với doanh nghiệp…

Tất cả dữ liệu đầu vào trên đều sẽ được tính tới trong kế hoạch kinh doanh của năm 2018. Vấn đề là sự bất ổn, rủi ro do khó định lượng của nguồn dữ liệu này khiến chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp sẽ bị đẩy lên cao.

Phải nhắc lại, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam đang bị xếp ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Nếu riêng chi phí logistics thì còn thuộc nhóm cao nhất thế giới. Các khoản này chưa tính tới chi phí không chính thức.

Trong bối cảnh đó, rất khó thuyết phục doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới, thị trường mới. Trong khi đó, đây cũng là thời điểm mà Chính phủ xây dựng kế hoạch cho nền kinh tế năm 2018, với những nhận định về sự tới hạn của các động lực tăng trưởng hiện tại. Yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân cũng được Chính phủ đặt ra cùng những yêu cầu kỷ luật hành chính, kỷ luật tài chính công trong bộ máy chính quyền…

Giá như giới kinh doanh nhìn thấy những đề xuất tăng các mức thuế suất song hành với những tỷ lệ thắt chặt chi tiêu công, giảm chi ngân sách. Giá như doanh nghiệp nhìn thấy các kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh được Thủ tướng trực tiếp yêu cầu các bộ thực hiện song hành với những yêu cầu về hiệu quả cho các doanh nghiệp nhà nước trong vai chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước...

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2017 vừa rồi, trong bối cảnh trái ngược nhiều thông tin, người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Với cộng đồng kinh doanh, đây là một tin tốt. Song doanh nghiệp đang chờ những định hướng rõ hơn trong công tác điều hành của Chính phủ, để sớm quyết định sẽ làm gì trong năm 2018.

Theo Bao dau tu

baodautu.vn/dau-bai-kho-cho-gioi-kinh-doanh-d69066 http://baodautu.vn/dau-bai-kho-cho-gioi-kinh-doanh-d69066.html

Có thể bạn quan tâm