Đề xuất giảm thuế MFN 10% các mặt hàng chế phẩm xăng

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện (lần 2) dự thảo nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu gửi các bộ, ngành, hiệp hội có liên quan.
Đề xuất giảm thuế MFN 10% các mặt hàng chế phẩm xăng

Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất đưa thuế MFN đối với mặt hàng sản phẩm chế biến từ dầu mỏ, nhưng có chỉ số octan khác xăng động cơ và được sử dụng như nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hoặc các ngành công nghiệp từ 20% về 10%, như mặt hàng xăng động cơ không pha chì đã được giảm trước đó.

Về giảm thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng Ethanol, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của một số cơ quan về đề nghị về giảm thuế nhập khẩu MFN với một số mặt hàng Ethanol từ 15% xuống 10%. 

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Việt Nam có 6 nhà máy sản xuất Ethanol để phối trộn làm xăng sinh học. Nhu cầu sử dụng Ethanol để pha chế xăng E5 RON92 trong nước khoảng 200.000m3/năm. Năng lực sản xuất Ethanol của các nhà máy tại Việt Nam đạt 400.000 m3/năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, đa số các nhà máy đã dừng hoạt động do thua lỗ. Một số nhà máy đang xây dựng đã dừng không xây dựng vì nhiều nguyên nhân đến từ thiếu hụt vốn, nguồn nguyên liệu thiếu ổn định và sức ép cạnh tranh cao từ Ethanol nhập khẩu.

Bộ Tài chính cho biết, mặt hàng Ethanol và xăng khoáng là nguyên liệu đầu vào để pha chế ra xăng sinh học. Khác với xăng khoáng là sản phẩm có nguồn gốc từ tài nguyên khoáng sản không tái tạo thì Ethanol là sản phẩm của ngành nông nghiệp (được sản xuất từ sắn, ngô, gạo, bã mía...) có khả năng tái tạo được nên Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, trong bối cảnh giá xăng thế giới và trong nước tăng cao kèm theo sự thiếu hụt về cung ứng xăng dầu thì việc nhập khẩu Ethanol sẽ bù đắp phần thiếu hụt của xăng khoáng. Các sắc thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng đều quy định ưu đãi đối với mặt hàng Ethanol.

Theo nguyên tắc thuế suất thấp hơn thuế suất thuế nhập khẩu xăng khoáng nhưng vẫn đảm bảo dư địa để đàm phán hiệp định thương mại (FTA) cho các biểu thuế tới đây. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh thuế suất mặt hàng Ethanol từ 15% xuống 10% thay cho phương án 12% đã gửi xin ý kiến.

Việc điều chỉnh giảm thuế được đánh giá là không tác động đến sản xuất trong nước do mức điều chỉnh không lớn, nhưng sẽ tác động giảm giá mặt hàng xăng dầu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Có thể bạn quan tâm