Đến Mỹ thời Covid

Công việc và con trai khiến tôi nhiều lần đến Mỹ. Bạn bè thường bảo "Số có hoa chân, sướng!". Và cũng chính "số phận" khiến tôi đến Mỹ khi quốc gia này đang là tâm dịch của thế giới...

Dù trong nhiều chuyến đi, mặc dù ốm dở nhưng tôi vẫn phải cố gắng làm việc theo lịch trình đã sắp xếp. Ở xứ người, mọi điều kiện không như xứ ta, không phải mình muốn cái gì là có cái đó. Chưa kể, cơ thể tôi luôn tỏ ra  bướng bỉnh, luôn muốn chống đối lại sự thay đổi múi giờ nơi tôi đến. 

Một tin nhắn hỏi thăm của Trang - cô em gái thân thiết đang ở Los Angeles đã cho tô một chuyển đi với vô vàn trải nghiệm trong thời dịch bệnh Covid-19 này. Khi biết tôi sẽ đi Mỹ, khác hẳn với mọi lần, mọi người lại tỏ ra lo lắng cho tôi.

Không còn ai nói câu "sướng thế" dù tôi đang sung sướng thật sự vì đã mua được vé sau lần đi "hụt" mà sáu tháng trước. Covid-19 - một cái tên nghe dịu dàng mà đang làm chao đảo cả thế giới và khiến cả tôi cũng phải thay đổi theo. 

Tôi đã đến được Mineapolis sau hành trình 55 tiếng bằng máy bay thương mại của Hãng Asiana (Hàn quốc) với hai chặng chuyển tiếp dài. Nước Mỹ, theo những gì báo chí và truyền thông đưa tin, là ổ dịch bệnh, là bạo động - theo đúng nghĩa đen.

Tôi đến thành phố này đúng ngày lệnh giãn cách ngừa Covid-19 hết hiệu lực nhưng đường phố thì vẫn thưa thớt người đi lại. Và ở đâu đó vẫn còn dấu vết của các cuộc biểu tình để lại.

Những cửa hàng che chắn bằng những tấm gỗ một cách rất "buồn tẻ", chỉ lác đác có một số quán ăn mở dạng "togo" hoặc cho phép khách hàng đến ăn trong tình trạng "giãn cách". Nhưng trong tâm hồn mình, tôi thấy chỉ là sự yên tĩnh, bình yên một cách rất "Mỹ".

Vài tuần nữa là đến ngày Lễ Độc lập của nước Mỹ. Cứ đến 9h tối là xung quanh nhà tôi nổ pháo liên hồi, ầm ầm xé tan bầu không khí của một buổi tối. Tôi nghe nói, Tổng thống D.Trump đã trợ cấp rất nhiều tiền cho dân. Ai cũng có tiền, thất nghiệp cũng có tiền, người giảm giờ làm cũng có tiền, doanh nghiệp cũng có tiền. Chắc vì thế mà mọi người đốt pháo vui vẻ trước ngày lễ này vài tuần.

Năm nay, Lễ Độc lập của Mỹ khác hẳn mọi năm. Thường vào ngày này, người Mỹ sẽ tổ chức ăn uống kiểu BBQ. Nhưng năm nay, do dịch Covid-19, người Mỹ giảm hẳn việc tụ tập đông người. Nhưng thay vì thế, để ăn mừng, họ đốt pháo nhiều hơn. Họ đốt ngay trước cửa nhà hoặc tại các khu đất rộng gần nhà. Những người hàng xóm có thể tham gia bằng cách ngồi trên xe mở cửa kính và cổ vũ. Dường như người Mỹ không còn buồn phiền về dịch bệnh hay lo lắng về bạo động - thường xảy ra trong ngày này. Tiếng pháo nổ râm ran cả ngày và tăng dần đều về đêm. Nhìn qua cửa sổ, tôi nhớ đến ngày tết của Việt Nam khi tôi còn nhỏ. Tôi thấy như đang sống trong đêm giao thừa đặc biệt ấy.

Đến Mỹ đúng vào đúng thời điểm cam go của dịch Covid-19, tôi luôn nghĩ mình thế nào cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Và quả thật, đúng là có khó hơn khi các phương tiên công cộng trở thành sự lo ngại mỗi khi ra ngoài. Nhưng chính vì thế mà tôi  nhận được sự chăm sóc tận tình của Hoa, Hiếu, Linh thậm chí cả cô giáo Linda của con trai tôi.

Hoa bận lắm. Em ý đang tự mình gây dựng một công ty riêng. Em quay cuồng với những cuộc điện thoại, những lịch hẹn chồng chất xong rồi lại bận bịu dọn dẹp trang trí văn phòng mới thuê. Vậy mà cứ đến khi hết giờ làm, em lại đến đón tôi ra ngoài vì sợ tôi buồn và lo rằng tôi "không có đủ không khí để thở" khi cứ suốt ngày ở nhà.

Đi với em tôi không nói nhiều vì có lẽ, trái tim tôi còn đang "bận bịu" cảm động  trước tìm cảm em dành cho tôi. Em không sợ tôi mắc dịch bệnh cũng không sợ hai chị em lang thang rồi lại mắc dịch. Covid-19 đã không thắng được tình chị em của chúng tôi. 

Tôi và con trai ở cùng nhà với Linh và Hiếu. Hai đứa đều vừa học vừa đi làm giống như nhiều sinh viên bên này. Cả hai đều có những ước mơ riêng cho mình nên luôn cố gắng học tập và đi làm để trang trải cuộc sống.

Mỗi lần đi làm về, hai đứa đều đến gõ cửa phòng tôi rồi ra hàng loạt những câu hỏi đáng yêu như cô có ăn gì không, có muốn ra ngoài đi chợ không, cuối tuần cô có muốn đi chơi đâu không?...

Thỉnh thoảng mấy cô cháu lại đi chợ mua thực phẩm để về nhà cùng nấu nướng. Tôi tranh thủ nấu phở bò, bún chả. Mấy cô cháu ăn cùng nhau gật gù khen tấm tắc bởi ở Mỹ sao tìm được một thứ hương vị đậm chất Hà Nội như thế này.

Tôi liên tục cập nhật tin tức về mọi vấn đề đang diễn ra một cách "rất căng thẳng"  tại nền kinh tế phát triển số 1 thế giới này nhưng trái lại, tâm hồn tôi dường như nhận lại cảm nhận được nhiều ấm áp và bình yên hơn.

"Em ơi, thức hay ngủ, dậy nói chuyện đi..." - giọng chị Dương vang lên lảnh lót như chim. Còn tôi, mỗi lần nghe điện thoại, đều phải vượt qua cơn buồn ngủ vì chênh lệch múi giờ.

Vật vã trong cái mệt của lệch giờ cũng như vật vã trong thuốc ngủ tôi dùng để điều chỉnh sự ương bướng của bản thân với thời gian. Gần như ngày nào chị cũng nhắn tin, gọi điện cho tôi cũng chỉ vì lo lắng - sự lo lắng của một người chị dành cho một đứa em gái - à mà tôi nhận thấy, tôi vốn dĩ em gái của chị từ lâu rồi.

Người dân Mỹ rất ý thức về mối nguy hiểm của dịch Covid-19. Ra ngoài đi chợ hay mua sắm, mọi người đều giữ khoảng cách với nhau. Ai cũng đeo khẩu trang, tới cửa hàng nào cũng được rửa tay trước khi ra vào. Nếu ai không có khẩu trang sẽ được phát miễn phí. Chẳng có sự chen lấn nào diễn ra khiến cuộc sống nơi này cứ nhẹ nhàng trôi trong những diễn biến phức tạp của mùa dịch bệnh.

Một hôm, Hiếu - người bạn ở cùng nhà gửi cho tôi tinh nhắn của Chính phủ Mỹ về việc mọi du học sinh - nếu học online thì phải lập tức về nước, còn ở lại coi như là bất hợp pháp. Tin nhắn này làm hàng triệu du học sinh trên nước Mỹ hoang mang tột cùng khi các trường vừa thông báo học online cho kỳ học tới.

Hai mẹ con tôi nhắn tin để gặp trực tiếp Linda - cô giáo phụ trách du học sinh của trường nơi con tôi học. Cô giáo rất nhiệt tình giúp và hướng dẫn, chuẩn bị giấy tờ để con tôi có thể tiếp tục học bình thường. Gặp cô Linda xong, tôi thở phào nhẹ nhõm cho không chỉ con mình mà còn hàng nghìn các du học sinh khác đang và sẽ ở lại Mỹ. 

Ba tuần trôi thật nhanh, tôi vẫn còn lưu luyến muốn ở lại, có lẽ do đã dần quen múi giờ. Nhưng có lẽ, sự lưu luyến ấy, bắt nguồn lớn hơn từ sự thích thú cuộc sống êm đềm nơi đây. Cảm giác này, bao lâu nay, tôi đã vô tình bỏ lỡ vì sự gấp gáp và bận rộn của cuộc sống. 

Ở nơi đất khách này, tôi luôn nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của người thân bạn bè khiến tôi cảm thấy mình giống như một em bé. Vì có kinh nghiệm và được hướng dẫn tận tình, nên ngay khi sang Mỹ tôi đã chủ động xin đăng ký với Đại sứ quán Việt Mam tại Mỹ được trở về. Và cuối cùng, tôi đã có tên trong danh sách hành khác trên các chuyến bay "giải cứu" công dân của Việt Nam.

Mỗi tháng, chỉ có 4 chuyến bay đón công dân trở về nước nên khi nhận được email thông báo tôi có trong danh sách tôi vui lắm. Tôi thấy mình oách phết, công dân thường như tôi hiếm có cơ hội được đưa đón bằng chuyên cơ.

San Francisco thời điểm này vẫn đang là mùa hè, vẫn mang đậm sự quyến rũ của lãng mạng của một thành phố khiến bất kỳ ai cũng phải yêu mỗi khi đặt chân đến đây. Có lẽ vì thế mà tôi đã trở lại thành phố này cùng con trai để một lần nữa "ngập trong tình yêu" - tình yêu của cảnh vật và tình yêu chân thành của bạn bè và anh chị em thân thiết nơi đây.

Covid-19 dường như nằm đâu đó ở thành phố khác mà nó không nằm trong căn nhà ấm cúng của anh chị Xuân Phúc. Tôi thực sự xúc động trước tình cảm của anh chị và đại gia đình khi luôn đón tiếp tôi như một thành viên, một người thân trong gia đình.

Bữa tiệc BBQ ngoài trời để chào đón tôi, thật vui. Chẳng ai nghĩ đến phải tránh xa tôi vì lo sợ nhiễm bệnh. Hai bà trên bẩy mươi rồi vẫn ngồi cạnh tôi tiếp đãi tôi và hỏi han về tình hình Việt Nam trong mùa Covid-19.

Cả đại gia đình nhà anh chị Phúc Xuân đã mấy tháng qua đều ở nhà nhằm thực hiện việc giãn cách xã hội nên bữa tiệc này dường như là cơ hội để họ trò chuyện và xích lại gần nhau hơn. Cánh đàn ông vừa nghe nhạc vừa trao đổi về mọi vấn đề xã hội. Nhóm phụ nữ thì nói về những món đồ muốn mua mà chưa mua được vì dịch bệnh. Chắc chắn việc mua sắm của chị em đã và sẽ thay đổi rất nhiều.

Những đứa trẻ thì chạy nhảy nô đùa dọc theo con phố vốn yên tĩnh. Chúng đã lâu lắm mới được thoải mái vui đùa và gặp gỡ họ hàng như thế này. Ánh nắng chiều vàng nhạt, những con gió nhè nhè, lành lạnh vờn qua mái tóc khiến cho bữa tiệc có cái gì đó rất riêng, rất khó quên.

Tôi vui vẻ tham gia và hoà mình vào không khí ấy giống như một thành viên trong gia đình. Tôi kể cho mọi người nghe về Việt Nam đã chống lại dịch bệnh nguy hiểm này như thế nào cũng như những khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Mọi người cứ như bị cuốn vào những câu chuyện ấy.

Tôi nhắn nhủ mạnh mẽ với họ rằng, Việt Nam luôn coi trọng những đóng góp của người Việt xa xứ. Những đồng tiền mà các anh chị lao động tích cóp gửi về đều mang lại lợi ích cho đất nước.

Bốn ngày ở San Francisco trôi qua thật nhanh dù tôi chỉ loanh quanh ở nhà và ra ngoài khi cần thiết. Tôi qua nhà chị Dung và anh Cường để uống trà sáng, ăn trưa cùng anh Hùng chị Trâm - những Việt kiều sống gần 30 năm trên đất Mỹ.

Dịch bệnh khiến con người ta trở nên e dè hơn. Gặp nhau đều khiến cho hai bên cảm thấy ái ngại. Và có lẽ, tình cảm là thứ thuốc chống lại những cảm xúc đó một cách hiệu quả nhất. Những câu chuyện của chúng tôi thường xoay quanh cuộc bỏ phiếu, dịch bệnh và hơn hết là sự nỗi nhớ mong được trở về Việt Nam.

Tôi ra sân bay để bắt đầu hành trình trở về. Sân bay thưa vắng vì chỉ duy nhất có đoàn tôi bay. Tôi đứng giữa sân bay mà lòng nao nao. Bao năm qua, tôi đã từng đón đưa khách và chính mình cũng là hành khách tại sân bay ngày nào cũng đông đúc và náo nhiệt này.

Tôi có cơ hội được ngắm nhìn những cuộc chia tay đan xen giữa nụ cười và nước mắt. Đoàn người check-in chủ yếu là các cụ ông, cụ bà nhiều tuổi cùng các du học sinh Việt Nam. Mọi người xếp hàng lặng lẽ không có người đưa tiễn. Tôi đoán được ai cũng đang có cảm xúc của riêng mình.

Trang ra tiễn tôi ra sân bay kèm theo một hộp cơm to đùng - có lẽ do em là người duy nhất đi tiễn đoàn. Cái cô bé này luôn rất chăm chỉ và đầy ắp nhiệt tình. Có lẽ vì cái tính đó mà suốt ngày, dù bị tôi làm phiền, em ấy vẫn vô tư giúp đỡ mà không bận tâm nghĩ ngợi. Mùi thức ăn thoang thoảng bỗng khiến tôi cay cay mũi. Chỉ có em mới làm được thế, em đánh thức cảm xúc tôi bằng thứ mùi thơm đặc trưng của thức ăn - à không của sự quan tâm chân thành mà mộc mạc.

Chúng tôi lên máy bay trong bộ trang phục bảo hộ xanh lè. Mặc vào thì không ai còn nhận ra ai ngoài giọng nói. Chuyến bay Việt Nam 1 cất cánh và đưa những công dân như tôi trở về Việt Nam an toàn.

Tròn một tháng tôi ở trọn vẹn trên đất Mỹ - nơi được coi là một phần của tâm dịch Covid-19 và sự bạo động. Ngày tôi đến là ngày nước Mỹ mở cửa, gỡ bỏ giãn cách xã hội. Ngày tôi đi lại là ngày mà nhiều bang của nước Mỹ buộc phải đóng cửa trở lại.

Nước Mỹ hiếu khách nên đã mở cửa cho khách du lịch đặc biệt như tôi đến thăm. Để đến khi tôi trở về thì lại đóng cửa để tiếp tục nghiên cứu vaccines nhằm chống lại dịch bệnh nguy hiểm này.

Ai cũng bảo chuyến đi đến Mỹ của tôi thật đặc biệt, có người còn nói tôi thật dũng cảm. Với tôi, điểm đặc biệt nhất trong chuyến đi này là thấu hiểu một cách thấm thía nhất tình cảm giữa Người với Người. Tình yêu thương, sự cao cả, niềm hy vọng chính là liều thuốc chữa Covid-19 công hiệu nhất cho mỗi chúng ta và cho cả nhân loại, lúc này.

Viết từ San Francisco

Có thể bạn quan tâm