ĐHĐCĐ Ocean Group: Khoản nợ nghìn tỷ khó thu hồi, HĐQT hứa không làm mất thêm vốn

CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã: OGC) vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần 2 với sự tham gia của cổ đông và người ủy quyền đại diện 62,8% cổ phần có quyền biểu quyết.
ĐHĐCĐ Ocean Group: Khoản nợ nghìn tỷ khó thu hồi, HĐQT hứa không làm mất thêm vốn

Trước đó, cuộc họp lần đầu của công ty diễn ra bất thành ngày 20/6 do số lượng cổ đông tham dự ít hơn quy định.

Tại đại hội lần này, cổ đông Ocean Group đã không thông qua phương án đổi tên thành CTCP Tập đoàn OGC, kế hoạch chuyển trụ sở từ số 4 Láng Hạ, Ba Đình về số 19 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Ngoài ra, tờ trình về sửa đổi bổ sung 45 Điều lệ về tên, trụ sở, thời hạn hoạt động, phạm vi kinh doanh, vốn điều lệ, chứng nhận cổ phiếu, chuyển nhượng cổ phần, thu hồi cổ phần, cơ cấu tổ chức quản lý, quyền của cổ đông phổ thông, đại hội cổ đông, các đại diện được uỷ quyền, quyền hạn nhiệm vụ của HĐQT... đều không đạt được sự đồng thuận cao nhất nên không được thông qua.

Về kế hoạch kinh doanh, ông Lò Hồng Điệp - Tổng giám đốc Ocean Group cho biết,năm 2020 vẫn là một năm khó khăn trong việc duy trì ổn định tổ chức, nguồn vốn, cơ cấu các khoản mục đầu tư vì các dự án chưa thể triển khai, công nợ phải thu vẫn còn lớn trong khi áp lực về các khoản nợ đến hạn phải trả ngày càng tăng...

Theo đó, Ocean Group đặt mục tiêu doanh thu 1.008 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế dự kiến 206 tỷ đồng, tăng 2,5 lần nhờ giảm chi phí 30%. Riêng công ty mẹ, tổng doanh thu và lợi nhuận lần lượt 55 tỷ đồng và 139 tỷ đồng.

Một trong những nội dung được cổ đông Ocean Group quan tâm trong kỳ họp lần này là tiến độ thu hồi các khoản nợ trên báo cáo tài chính năm 2019.

Trả lời thắc mắc của các cổ đông, Ban lãnh đạo Tập đoàn cho biết các khoản phải thu của doanh nghiệp tính đến cuối năm 2019 xấp xỉ 3.000 tỷ đồng và đã trích lập dự phòng khoảng 2.500 tỷ đồng.

Trong đó các khoản phải thu là các khoản hỗ trợ vốn cho các đối tác, phần lớn là nợ tồn đọng, mang tính lịch sử - từ thời điểm xảy ra biến cố ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương, trước đó là Chủ tịch Ocean Bank, bị bắt vì những "vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" vào tháng 10/2014.

HĐQT đã thực hiện nhiều biện pháp thu hồi nợ nhưng không có hiệu quả do các khoản nợ không có tài sản đảm bảo, không có sự hợp tác của đối tác.

Trong năm 2019, công ty đã thực hiện xong việc cấn trừ thu hồi 8,7 triệu cổ phiếu OCH từ Mạnh Hà. Một số khoản khác Tập đoàn đang làm việc với đối tác để tái cơ cấu các khoản nợ phải thu và phải trả tương ứng.

Một số khoản công nợ đã khởi kiện đối tác để thu hồi nợ, có một số khoản nợ đã được thi hành án nhưng kết quả thu hồi không hiệu quả, còn một số vụ kiện thì đang tiến hành chưa có Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án.

Do đó, ban lãnh đạo đề xuất cổ đông chấp thuận phương án giao và ủy quyền cho HĐQT xem xét và quyết định việc xóa nợ, bán các khoản nợ xấu đã lập dự phòng và có tuổi nợ trên 3 năm theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, năm 2020 và các năm tiếp theo gồm khoản phải thu ngắn hạn đã trích lập dự phòng 2.158 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn đã lập dự phòng 525 tỷ đồng. Tổng giá trị xóa nợ là 2.683 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ocean Group cho biết đối với những khoản nợ mang tính tồn đọng như khoản phải thu ông Hà Văn Thắm, ông Hoàng Văn Tuyến - những người đang chấp hành Bản án về các sai phạm liên quan đến vi phạm chế độ kế toán tại Oceanbank trong giao dịch giữa Ocean Group và Oceanbank, theo vụ án này Ocean Group cũng phải chịu liên đới trách nhiệm tài chính theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát Điều tra và phán quyết của Tòa án.

"Việc xóa nợ này về bản chất chỉ là việc xử lý số liệu trên báo cáo tài chính, còn công ty vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để thu hồi nợ. Theo đó, Hội đồng quản trị cam kết gìn giữ tài sản của công ty và sẽ cố gắng không làm mất thêm vốn của các cổ đông."

Có thể bạn quan tâm