Diễn biến bất thường cổ phiếu "họ FLC" và toan tính của ông Trịnh Văn Quyết

Hàng loạt cổ phiếu "họ FLC" như ART, TNI, AMD, HAI, ROS... là những cái tên hot trong năm 2017 với nhiều diễn biến bất thường về giá.
Diễn biến bất thường cổ phiếu "họ FLC" và toan tính của ông Trịnh Văn Quyết

Bên cạnh đó, ông Trịnh Văn Quyết liên tục gia tăng sở hữu FLC, ART và tăng quyền kiểm soát các doanh nghiệp này, cho thấy sự bành trướng ngày càng lớn mạnh hơn của đế chế "họ FLC".

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Mã: FLC) đồng thời là Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS).

Không chỉ nổi tiếng với khối tài sản lên đến 37.121 tỷ đồng (tính đến ngày 1/9) mà ông Quyết còn nổi hơn với những câu chuyện xoay quanh diễn biến bất thường trong giá cổ phiếu họ FLC. Từ đầu năm đến nay, các cổ phiếu "họ FLC" đã khiến không ít nhà đầu tư "kẻ nhanh chân thì mỉm cười, người chậm trễ thì mếu máo".

"Nhà tiên tri" của ROS lên sàn và diễn biến bất thường ở ROS và ART

Giai đoạn 2013 - 2014, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự bùng bổ của 2 cổ phiếu là FLC và KLF của Công ty Cổ phần Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF với diễn biến tăng sốc - giảm sâu cùng thanh khoản đột biến lên đến hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên.

Tưởng chừng câu chuyện về FLC, KLF của ông Quyết thời kỳ đó đã đi đến hồi kết thì đến tháng 9/2016, ông Quyết lại đưa " ông vua tăng vốn ROS" lên sàn HOSE với màn thể hiện tăng 1.227% trong vòng 7 tháng. Sự tăng giá phi mã của ROS đã giúp ông Quyết nhanh chóng trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản lên đến 52.508 tỷ đồng vào tháng 3/2017.

Sau khoảng thời gian tăng giá phi mã lên mức cao nhất là 161.636 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) đến tháng 5, ROS bắt đầu chuỗi ngày giảm giá còn 77.273 tỷ đồng/cp vào ngày 21/6.

Tưởng chừng câu chuyện với ROS sẽ lặp lại như với KLF là chìm nghỉm sau khi tăng phi mã thì từ cuối tháng 6 đến nay cổ phiếu ROS lại bắt đầu lặp lại chuỗi tăng giá. Với nhịp độ tăng giá chậm chạp nhưng đều đặn khoảng 500 đồng/cp/phiên, một vài phiên có mức giá nhỉnh hơn, khối lượng giao dịch hàng ngày đều trong khoảng 2 - 3 triệu đơn vị/phiên.

Quý II vừa qua, ROS ghi nhận khối lượng giao dịch đột biến. Trong bối cảnh đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Artex (Mã: ART) - "nhà tiên tri của ROS" ghi nhận doanh thu đột biến gấp 143 lần cùng kỳ cùng thị phần môi giới trên HOSE tăng vọt từ 3,52% quý I lên 5,9% quý II, xếp thứ 7 trong top 10 thị phần. Đáng chú ý, trong danh mục đầu tư của Chứng khoán Artex chủ yếu toàn các cổ phiếu họ FLC.

Chứng khoán Artex cũng bất ngờ lên sàn ngày 2/8 và lại tiếp bước trở thành cổ phiếu có màn tăng giá phi mã 520% lên 31.000 đồng/cp chưa đến một tháng. Sau chuỗi tăng trần, 4 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu ART liên tục lau sàn. Tuy nhiên đến phiên 1/9, ông Quyết công bố sẽ gom thêm 2 triệu cổ phiếu ART, cổ phiếu lại tăng trần, chốt phiên ở 27.100 đồng/cp.

Cổ phiếu tăng sốc - giảm sâu và những sự "bất ngờ" ở TNI, AMD, HAI

Câu chuyện về ROS trở nên thú vị hơn khi vào tháng 5 vừa qua, Công ty đã đăng ký mua 24,38% vốn của CTCP Đầu tư và Khoáng sản AMD Group (Mã: AMD).

Từ một cổ phiếu thanh khoản vài trăm nghìn một phiên, AMD bỗng chốc trở thành một cổ phiếu "hot" trên thị trường khi tăng trần 8 phiên liên tiếp, thị giá lên gần gấp đôi khoảng 24.000 đồng/cp, thanh khoản có phiên lên đến hơn 8 triệu cổ phiếu.

Sau chuỗi tăng trần, AMD lặp lại kịch bản như KLF với những phiên giảm sàn liên tiếp, cổ phiếu lại nhanh chóng giảm về quanh mệnh giá.

Là doanh nghiệp đa ngành, AMD lấn sang mảng đá với các mỏ tập trung chủ yếu tại tỉnh Thanh Hóa. Công ty có nhà máy sản xuất đá tại Mỏ Núi Loáng, Núi Bền và mới có kế hoạch tăng vốn để đầu tư nhà máy tại mỏ thứ 3 là Núi Ác Sơn.

3 mỏ đá của AMD có thể là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào dồi dào cho các dự án mà ROS triển khai dọc miền Trung hoặc trở ra miền Bắc.

Dù trước đó đã có nhiều sự liên quan giữa AMD, FLC và ROS nhưng đến đại hội cổ đông thường niên 2017 của AMD, FLC và ROS bắt đầu đưa hàng loạt nhân sự cấp cao vào Hội đồng quản trị cũng như Ban kiểm soát AMD.

Nếu AMD có màn tăng sốc giảm sâu thì Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Nam(Mã: TNI) trở nên "hot" trên thị trường bởi cú lao dốc không phanh sau hai phiên đầu lên sàn hồi cuối tháng 5. TNI cũng là doanh nghiệp có hàng loạt liên quan mật thiết đến FLC.

Cổ phiếu TNI tăng 23% trong 2 phiên đầu thì ngay sau đó bắt đầu lao dốc từ mức cao nhất 13.450 đồng/cp xuống còn khoảng 8.000 đồng/cp.

Từ doanh nghiệp buôn bán inox, Thành Nam cũng chuyển sang mảng bất động sản trong thời gian vừa qua và chuẩn bị họp đại hội cổ đông bất thường vào 19/9 để bàn đầu tư một loạt dự án condotel tại Đà Nẵng, Phú Quốc, Phú Yên...

Từng nổi tiếng trên thị trường chứng khoán với phi vụ thâu tóm "thần tốc" cùng một loạt động thái đưa người vào ban điều hành Công ty Cổ phần Nông dược HAI (Mã: HAI) của FLC và KLF, cổ phiếu HAI từng là cổ phiếu "hot" của nhà đầu tư với chuỗi tăng sốc, giảm sâu hồi tháng 8/2014.

Từ đó cho đến cuối tháng 6/2017, HAI dường như nằm im bất động với thị giá "trà đá" xoay quanh 3.000 - 4.000 đồng/cp.

Đáng chú ý, HAI là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật nhưng qua đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên cuối tháng 6 vừa qua, Công ty đã bổ sung thêm ngành nghề liên quan đến mảng tư vấn, môi giới bất động sản và xây dựng công trình.

Trước đó vào năm 2015, HAI có ý định nhảy sang bất động sản qua Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Địa ốc HAI (công ty con HAI sở hữu 100%) để đầu tư dự án cao ốc văn phòng và nhà ở tại số 358 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP HCM. Tuy nhiên cho đến nay hoạt động kinh doanh bất động sản của HAI vẫn "án binh bất động".

Trong động thái đó, cổ phiếu HAI bắt đầu màn tăng trần 22 phiên liên tiếp, thị giá gấp 5,6 lần từ 4.000 đồng/cp lên 22.500 đồng/cp.

Bất ngờ vào cuối tháng 7 vừa qua, ông Trần Quang Huy - Phó Tổng giám đốc của FLC được bầu làm Chủ tịch HĐQT của HAI từ ngày 25/7. Hai ngày sau đó, ông Huy đăng ký mua 200.000 cổ phiếu HAI từ ngày 2 - 31/8 ngược lại Tổng giám đốc của HAI lại đăng ký bán 200.000 cổ phiếu từ ngày 9/8 - 6/9.

Sau chuỗi tăng trần liên tiếp, giống với AMD thì đến ngày 9/8 HAI lại giảm sàn liên tục. Sàn 5 phiên, FLC đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu HAI từ ngày 21/8. Cho đến nay, cổ phiếu HAI vẫn không ngừng giảm, kết phiên 1/9 ở mức 11.100 đồng/cp.

Vừa qua, Công ty cũng xin đăng ký nới room lên 100% nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược. Dường như động thái bổ sung ngành nghề kinh doanh, nới room cũng như việc FLC gia tăng sở hữu tại HAI phần nào góp công vào diễn biến bất thường của cổ phiếu HAI.

Việc trùng hợp thời gian qua là cả HAI, TNI hay AMD đều chuyển sang ngành nghề kinh doanh liên quan đến bất động hay vật liệu xây dựng, trong khi các doanh nghiệp kia lại có mối quan hệ thân thiết với FLC, FLC Faros từ lâu.

Ông Trịnh Văn Quyết phải chăng đang muốn mở rộng đế chế của riêng mình khi liên tục gia tăng quyền kiểm soát các doanh nghiệp trên. Việc cổ phiếu tăng sốc, giảm sâu có phần nào nguyên nhân về việc nhà đầu tư nhận ra những bất thường ở các doanh nghiệp.

Liên tục tăng sở hữu FLC và ART, ông Trịnh Văn Quyết toan tính gì?

Năm 2017, không chỉ với doanh nghiệp họ FLC mà ngay với bản thân ông Trịnh Văn Quyết, ông cũng đang có hàng loạt động thái tăng tỷ lệ sở hữu tại FLC.

Ngay sau thông tin ông Quyết mua thành công 20 triệu cổ phiếu FLC đã khiến FLC sau 4 tháng lình xình quanh mức 7.000 đồng/cp bật tăng trần 3 phiên liên tiếp. Cổ phiếu FLC khiến các nhà đầu tư ngỡ ngàng khi xác lập kỷ lục khối lượng giao dịch đột biến lên đến hơn 72 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 35% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Sau đó vài ngày, ông Quyết lại tiếp tục gom thêm 11 triệu cổ phiếu FLC nhằm nâng sở hữu tại FLC lên 24,32%. Ngược với phản ứng của lần mua thành công trước, FLC lại "nằm sàn" 2 phiên liên tiếp, tuy nhiên khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức xấp xỉ 60 triệu cổ phiếu.

Tại ĐHCĐ thường niên 2017, cổ đông có thắc mắc về việc cổ phiếu FLC luôn ở dưới mệnh giá. Để cải thiện tình trạng giá của cổ phiếu, ông Quyết cho hay trong năm 2016 ông đã thực hiện đàm phán với một số định chế định chế tài chính cùng các thành viên HĐQT có tiềm lực tài chính sẽ đầu tư mua vào cổ phiếu FLC và cố gắng "nắm giữ trên 50%" tỷ lệ sở hữu của FLC.

Do đó việc liên tục tăng sở hữu tại FLC phải chăng nằm trong kế hoạch của ông Quyết nhằm đưa cổ phiếu FLC cải thiện hơn về thị giá.

Bên cạnh FLC, ông Quyết lại có động thái đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu của Chứng khoán Artex nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ dưới 5% lên 19,48% nhằm trở thành cổ đông lớn.

Cổ phiếu TNI, AMD, FLC, ROS, ART hay HAI đang gây ra những chao đảo với diễn biến bất thường tăng sốc, giảm sâu. Phiên ngày 24/8 với sự bùng nổ của FLC thì tổng khối lượng giao dịch họ cổ phiếu FLC đã chiếm hơn 41% tổng giá trị giao dịch thị trường.

Vậy ông Quyết đang toan tính gì với doanh nghiệp họ FLC, chỉ riêng câu chuyện bề nổi xoay quanh thị giá các cổ phiếu cũng khiến không ít nhà đầu tư "dở khóc, dở cười".

Theo Hoàng Kiều/ Kinh tế & Tiêu dùng

>> Cổ đông lớn Trịnh Văn Quyết đăng kí mua 11 triệu cổ phiếu FLC

Có thể bạn quan tâm