Điều gì khiến cổ phiếu VPI tăng trần liên tiếp?

Chỉ 3 ngày niêm yết trên HNX, giá cổ phiếu VPI đã tăng kịch trần tới 56,5% lên mức 43.200 đồng/CP. Điều gì khiến thị giá cổ phiếu VPI tăng mạnh ngoài kết quả lợi nhuận của Văn Phú Invest tăng trưởng k
Điều gì khiến cổ phiếu VPI tăng trần liên tiếp?

Bất ngờ báo lãi “khủng”

Chào sàn HNX ngày 28/11, cổ phiếu VPI của Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest tăng hết biên độ lên 38.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh thấp chỉ 5.000 đơn vị. Đến phiên giao dịch sáng 30/11, VPI tiếp tục tăng trần 3 phiên liên tục lên mức 43.200 đồng/CP, dư mua trần chỉ vài chục nghìn đơn vị. Ngay sau đó, cổ phiếu này quay đầu giảm mạnh, đóng cửa phiên ở mức 41.400 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt 812.000 đơn vị.

Giá VPI hiện đang cao nhất so với 4 doanh nghiệp niêm yết cùng ngành bất động sản như PDR, LDG, NLG, HUT… Thế nhưng, so về “sức khoẻ” doanh nghiệp và hiệu quả kinh doanh thì VPI đang có phần “lép vế” hơn hẳn.

Theo bản cáo bạch công bố trước khi niêm yết trên HNX, tình hình kinh doanh của Văn Phú Invest cải thiện đáng kể trong 2 năm gần đây. Cụ thể, năm 2015, doanh thu thuần đạt 223 tỷ đồng và ghi nhận lỗ 3,8 tỷ đồng. Sang năm 2016, kết quả kinh doanh cải thiện với doanh thu thuần tăng gấp 3 lần đạt 772 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 22 tỷ đồng. Và dù lợi nhuận còn “khiêm tốn” nhưng lãnh đạo VPI đã chịu chơi trả cổ tức tới 20% cho cổ đông, tương ứng giá trị 52,4 tỷ đồng, vượt gấp đôi lợi nhuận làm ra.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, VPI ghi nhận doanh thu hợp nhất đột biến 667 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 314 tỷ đồng, tức chiếm tới gần 50% doanh thu. Đây là mức tỷ suất sinh lời cao mà hiếm khi được doanh nghiệp bất động sản công bố công khai.

Báo cáo cho thấy, doanh thu của VPI chủ yếu đến từ mảng kinh doanh bất động sản, còn hoạt động khác ghi nhận doanh thu, lợi nhuận không đáng kể…

Theo giải thích của Văn Phú Invest, doanh thu của 2016 và 9 tháng 2017 khởi sắc là nhờ kinh doanh dự án Nhà phố thương mại The Victoria (dự án V5, V6) thuộc khu đô thị Văn Phú. Dự án V5, V6 đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật và nộp tiền sử dụng đất từ năm 2007, song đến năm 2016 mới bán hàng nên suất đầu tư và tiền sử dụng đất tại năm 2007 thấp hơn, giúp giảm giá vốn bán hàng, gia tăng lợi nhuận cho công ty.

Tuy vậy, kết quả kinh doanh của VPI hiện đang còn thua xa các công ty niêm yết cùng ngành bất động sản khác như LDG, PDR, NLG, HUT… Đơn cử, năm 2016 VPI đã tăng quy mô tổng tài sản là 2.709 tỷ đồng, gần bằng LDG là 2.806 tỷ đồng, nhưng còn thua xa PDR và HUT đều có tổng tài sản hơn 9.000 tỷ đồng.

Còn xét về vốn chủ sở hữu của VPI hiện ở mức 352 tỷ đồng, chỉ bằng 10-30% so với các doanh nghiệp nêu trên.

Quy mô tài sản và lợi nhuận sau thuế năm 2016 của VPI so với các công ty LDG, PDR, NLG, HUT

Doanh thu của VPI tăng trưởng nhanh, song còn cách khá xa mới đuổi kịp các công ty như PDR, NLG, HUT… So sánh cùng quy mô doanh nghiệp, lợi nhuận của VPI năm 2016 chỉ bằng 1/8 so với LDG.

Trong 9 tháng 2017, lợi nhuận trước thuế của VPI đạt 314 tỷ đồng, cao hơn mức 237 tỷ đồng của LDG. Hệ số ROA, ROE của VPI hiện là 0,07 và 0,13… chỉ nhỉnh hơn ROA (0.05) và ROE (0,1) của LDG.

Thế nhưng, giá cổ phiếu VPI trên thị trường hiện ở mức 41.200 đồng/CP, cao gấp đôi giá LDG đang giao dịch quanh 18.400 đồng/CP, và vượt xa giá của PDR, NLG... Điều này khiến nhà đầu tư hoài nghi về giá cổ phiếu VPI liệu có quá “ảo”?

Giá cổ phiếu ngày 30/11

LDG

18.400

PDR

35.600

NLG

29.400

HUT

11.800

VPI

41.400

Giá cổ phiếu VPI tăng cao hơn các mã bất động sản như LDG , NLG...

Đổ nghìn tỷ tăng vốn “thần tốc”

Dù mới lên sàn vài ngày, cổ phiếu VPI tăng trần liên tục với thanh khoản hiện đạt hơn 500.000 đơn vị đã lập tức thu hút sự chú ý của thị trường. Song hoạt động kinh doanh từ giai đoạn 2015 trở về trước, tiềm lực tài chính, nguồn huy động vốn… còn chưa được công bố rõ ràng. Do đó, giới đầu tư vẫn thận trọng, quan sát diễn biến giá cổ phiếu của “tân binh” VPI.

Động thái đáng chú ý là ngày trước thời điểm lên sàn HNX, VPI đã thực hiện 2 đợt tăng vốn chớp nhoáng từ 262 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Cụ thể, lần 1 tăng hơn 362 tỷ đồng lên hơn 624,2 tỷ đồng đã hoàn thành ngày 14/4/2017 khi phát hành cho một công ty để bù trừ công nợ (mệnh giá 100.000 đồng/CP). Tiếp đó, lần thứ 2, VPI đã tăng vốn “khủng” khi phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu hơn 97,5 triệu cổ phiếu. Với mức giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu cho cả 2 đợt tăng vốn, các cổ đông hiện hữu đã chi thêm khoảng 1.338 tỷ đồng cho 2 đợt tăng vống nhanh chóng này, giúp VPI nâng vốn lên 1.600 tỷ đồng.

Được biết, cơ cấu cổ đông VPI hiện rất “cô đặc”, cụ thể, ông Tô Như Toàn Chủ tịch HĐQT công ty nắm 40 triệu cổ phiếu, chiếm 25% vốn điều lệ, cùng với Công ty THD Holdings nắm 23,44%, ông Tô Như Thắng (em trai ruột) nắm hơn 11,3 triệu cổ phiếu, chiếm 7,06%, bà Đào Thị Hồng Hạnh (vợ ông Toàn) nắm 4 triệu cổ phiếu, tương đương 2,50%.

Sau khi lên sàn, giá VPI tăng đột biến giúp tài sản cổ phiếu của nhóm cổ đông nội bộ này tăng gấp 4 lần. Nếu bán ra cổ phiếu ở thời điểm này để hiện thực hoá lợi nhuận thì nhóm cổ đông lớn sẽ thu về cả nghìn tỷ đồng. 

Trong buổi roadshow, Ban lãnh đạo VPI đã giới thiệu kế hoạch đầu tư, kinh doanh hàng chục dự án bất động sản, BOT lớn nhỏ với quy mô đầu tư cả tỷ USD, hứa hẹn đem về doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng khủng trong tương lai. 

Thiên Yết

>> Chủ tịch Văn Phú Invest lọt danh sách tỷ phú “nghìn tỷ” 

Có thể bạn quan tâm