DIG tăng phi mã hơn 164%, Bộ Xây Dựng dự kiến thu về hơn 2.275 tỷ đồng

Ngay trước phiên ATC chiều 28/11, cổ phiếu DIG bất ngờ xuất hiện giao dịch khủng, chất lệnh dư mua giá trần tới 94 triệu đơn vị và nhanh chóng khớp lệnh tổng cộng 124 triệu đơn vị trong phiên này.
DIG tăng phi mã hơn 164%, Bộ Xây Dựng dự kiến thu về hơn 2.275 tỷ đồng

Bộ Xây dựng muốn thoái hết 118,2 triệu cổ phiếu DIG 

Nhiều nhà đầu tư quan tâm, nắm giữ cổ phiếu DIG của Tổng công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng (mã: DIG) đã không khỏi bất ngờ khi chứng kiến phiên giao dịch “khủng” khi mã này tăng trần lên 19.250 đồng/CP chiều 28/11. Chỉ trong vòng 1 tuần qua, giá DIG đã tăng liên tục tới 18,4% và khối lượng giao dịch tăng đột biến.

Giao dịch lạ

Trong phiên giao dịch sáng 28/11, cổ phiếu DIG diễn biến khá lình xình trong sắc xanh – đỏ. Có những lúc, cổ phiếu này giảm xuống mức giá 17.700 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm tới 8%.

Tuy vậy, cho đến trước giờ đóng cửa phiên giao dịch sáng, giá DIG đã bật tăng mạnh mẽ lên mốc 18.500 đồng/cổ phiếu.

Trái ngược phiên giao dịch sáng, cổ phiếu DIG “trình diễn” bộ mặt tích cực ở nửa cuối phiên giao dịch trong ngày. Theo đó, DIG đã bật tăng trần và duy trì mức giá 19.250 đồng/cổ phiếu cho đến khi đóng cửa phiên 28/11.

Bất ngờ xảy ra khi ngay trước phiên ATC, xuất hiện hơn 121,6 triệu cổ phiếu được chất bên mua với mức giá trần 19.250 đồng/CP. Và càng ngạc nhiên hơn khi lượng lớn cổ phiếu này cũng nhanh chóng được “hốt” sạch chỉ trong vài phút. Cùng với đó, khối ngoại mua vào hơn 56,4 triệu cổ phiếu DIG.

Đóng cửa phiên 28/11, DIG vẫn còn đến lệnh dư mua trần hơn 2,5 triệu cổ phiếu. Tổng cộng 128,44 triệu cổ phiếu DIG được sang tay trong phiên này với giá trị giao dịch đột biến lên tới 2.648 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản kỷ lục của DIG kể từ khi niêm yếu đến nay.

Hiện, DIG vẫn chưa công bố thông tin liên quan đến các giao dịch khối lượng đột biến này, nhưng có khả năng là Bộ Xây dựng đã thoái vốn khỏi công ty này. Trước đó vài này (ngày 22/11), Bộ Xây Dựng cho biết sẽ thoái toàn bộ 118,2 triệu cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước tại DIG thông qua khớp lệnh và thoả thuận trên sàn, chiếm 49,65% vốn điều lệ công ty. Nếu Bộ Xây dựng đã thoái vốn phiên 28/11, thì ước tính thu về hơn 2.426 tỷ đồng.

DIG tăng phi mã hơn 164%, Bộ Xây Dựng dự kiến thu về hơn 2.275 tỷ đồng ảnh 1

Giá cổ phiếu DIG tăng tới 164% so với đầu năm 2017 chỉ giao dịch quanh mức 7.300 đồng/CP

Cổ phiếu DIG tăng giá có bất thường?

Trái ngược với sự tăng trưởng giá đột biến của cổ phiếu DIG, hoạt động kinh doanh của DIG năm qua lại khá ảm đạm. Theo BCTC, trong quý 3/2017, doanh thu thuần chỉ đạt 286 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận 33,8 tỷ đồng giảm 15%. Nguyên nhân kết quả kinh doanh kém khả quan đến từ nguồn thu bất động sản sụt giảm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần DIG đạt 872 tỷ đồng và hoàn thành 62% kế hoạch năm, và lợi nhuận sau thuế èo uột ở mức 43 tỷ đồng và đạt 34% chỉ tiêu đề ra.

Kết quả kinh doanh chưa có gì nổi bật, chỉ có đợt thoái vốn của Bộ Xây dựng là thông tin hỗ trợ giúp cổ phiếu DIG tăng trưởng mạnh gần đây. Song sau “sóng thoái vốn” cổ phiếu DIG tăng chóng mặt, nhà đầu tư lo sợ rủi ro giảm giá sâu nếu công ty không có đột biến về kết quả kinh doanh cả năm 2017.

Dù vậy, lợi thế của DIG hiện nằm ở việc sở hữu quỹ đất khá lớn, như Dự án khu trung tâm Chí Linh – Vũng Tàu (100 ha); khu đô thị Long Tân (332 ha); khu đô thị Nam Vĩnh Yên (447 ha); khu đô thị Phú Mỹ, Hiệp Phước (21,5 ha),…

Đặc biệt, sự xuất hiện của sân bay Long Thành có thể khiến DIG “trúng” lớn. Theo đó, Công ty Chứng khoán FPTS cho rằng sự xuất hiện của sân bay Long Thành đang giúp thị trường bất động sản Đồng Nai chuyển biến tích cực. Quan điểm này được đưa ra dựa trên nhận định Đồng Nai có vị thế tiếp giáp Q.9, Thủ Đức, Bình Dương và là cửa ngõ tiến ra biển nên được hỗ trợ nhiều về cơ sở hạ tầng theo định hướng phát triển về phía Đông của TP.HCM.

DIG có hai dự án nằm trong khu vực này là Dự án khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước với tổng vốn đầu tư 7.506 tỷ đồng và Dự án khu dân cư Hiệp Phước, Nhơn Trạch với tổng mức đầu tư 1.307 tỷ đồng. 

Cổ phiếu “ăn theo” sóng thoái vốn.

Không chỉ DIG, cổ phiếu nhiều doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn cổ phần khác cũng đã tăng mạnh mẽ. Nhiều đơn vị chọn thời điểm thoái vốn cổ phần nhà nước vào giai đoạn gần cuối năm khi thị trường chứng khoán đã tăng điểm khá mạnh. Thậm chí, thị giá các cổ phiếu này thường tăng mạnh trước các đợt chào bán cổ phần.

Đơn cử, các cổ phiếu VGC, NTP, BMP và FPT… đã tăng mạnh ngay trước thời điểm SCIC công bố roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Điển hình như sự tăng điểm ‘điên đảo’ của SAB thời gian qua sau khi HĐQT SAB thông qua chủ trương về phương án thoái vốn tại Công ty CP Kinh doanh Lương thực – Thực phẩm Trường Sa trong phiên 6/11, giá cổ phiếu SAB đã la dốc 7 phiên giao dịch liên tục.

Tính đến phiên 15/11, thị giá SAB đã giảm xuống 270.900 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm gần 5%.

Và trong một ‘kịch bản’ tương tự VGC, NTP, BMP và FPT, cổ phiếu SAB đã tăng điểm ngay trước thời điểm xuất hiện thông tin SAB thông báo tổ chức roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư tại Singapore và Anh ngay trong tháng 11. Phiên giao dịch 21/11 là ngày xuất hiện thông tin tổ chức roadshow, giá SAB bật tăng đến 5,26% lên mốc giá mới 308.400 đồng/cổ phiếu.

Thiên Yết

>> Cổ phần Becamex IDC "ế ẩm" trước thềm IPO

Có thể bạn quan tâm