Định hình lại các bộ chỉ số: Nền tảng đưa TTCK phái sinh phát triển bền vững

Bất kỳ thị trường nào muốn phát triển bền vững, hàng hóa trong thị trường đó phải được kiểm soát chất lượng một cách chặt chẽ. Hàng hóa trên thị trường có đạt chuẩn hay không phụ thuộc rất lớn vào ý c
Định hình lại các bộ chỉ số: Nền tảng đưa TTCK phái sinh phát triển bền vững

Chất lượng của một Index phụ thuộc vào hàng hóa cơ sở

Sau thời gian chuẩn bị khá dài, thị trường chứng khoán phái sinh dự kiến sẽ được đưa vào vận hành trong nửa cuối năm nay. Việc đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) được nhiều kỳ vọng sẽ làm tăng sức hút của TTCK Việt Nam trong mắt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo ra một nền tảng từ đó hình thành nhiều sản phẩm mới sau này.

Thực tiễn trên thế giới cũng cho thấy hợp đồng tương lai trên chỉ số luôn là sản phẩm đặt nền móng cho việc phát triển thị trường chứng khoán phái sinh. Dự kiến, sản phẩm phái sinh đầu tiên được đưa vào giao dịch là Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30-Index. Tiếp đến, TTCKPS sẽ còn nhiều sản phẩm mới được triển khai trong đó có các hợp đồng tương lai với nhiều bộ chỉ số khác, bên cạnh đó là các hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn mua bán chỉ số hay thậm chí là cổ phiếu riêng lẻ…

Vì sao các hợp đồng tương lai lại có sức hút như vậy? Rõ ràng, một đặc điểm mà nhiều nhà đầu tư thích nhất đó chính là tỷ lệ đòn bẩy (margin) cao, dự kiến ban đầu đưa ra là 1:10, cao gấp 10 lần so với tỷ lệ 1:1 đối với các cổ phiếu được cấp phép margin hiện tại. Điều đó cho phép một nhà đầu tư thông minh có thể kiếm lợi nhuận cao nhanh chóng chỉ với nguồn vốn ít ỏi ban đầu.

Ngoài ra, một chức năng khác của Hợp đồng tương lai chỉ số là tạo điều kiện các nhà đầu tư (thông thường là các NĐT tổ chức) có thể cân nhắc sử dụng Hợp đồng tương lai chỉ số như một công cụ phòng ngừa rủi ro biến động giảm giá cổ phiếu trong danh mục nắm giữ.

Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để các nhà đầu tư có thể đưa ra những dự báo tốt nhất để đạt được lợi nhuận? Hay họ chỉ cần dựa vào phân tích kỹ thuật đồ thị giá hay theo dự cảm của mình để mở vị thế mua hoặc bán chỉ số?

"Mối lo" ở hàng hóa cơ sở

Dù với hình thức nào thì bản chất của các loại chứng khoán phái sinh cũng chỉ là một công cụ tài chính mà giá trị của nó phụ thuộc vào giá trị biến động của tài sản cơ sở. Chính hàng hóa cơ sở nằm trong mỗi rổ VN30 hay HNX30 mới là nhân tố quyết định đến sự vận động đến chỉ số.

Rõ ràng, hàng hóa cơ sở tốt bao nhiêu, có tiềm năng tăng trưởng bao nhiêu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số. Thử nhìn vào chỉ số Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA) của Mỹ, trong rổ 30 cổ phiếu của chỉ số DJIA gồm những ai?

Đó là cổ phiếu của các hảng công nghệ như Microsoft, Apple, Ford, General Electric, Boing, Intel, IBM, Cisco Systems…cho đến Goldman Sachs, Coca Cola, Nike, Procter & Gamble ,Walt Disney,…Họ là những công ty mà hầu như cả thế giới biết đến không chỉ ở thương hiệu lâu đời, mà những sản phẩm của họ làm thay đổi cuộc sống của rất nhiều người.

Trở lại với thị trường Việt Nam, thử hình dung nếu một chỉ số gồm những cổ phiếu có nhiều hoạt động bất thường, vốn hóa lớn nhưng hoạt động kinh doanh không rõ ràng, rủi ro từ nhiều hướng nhưng đóng góp đến vài điểm chỉ số sẽ tác động ra sao đến túi tiền của các nhà đầu tư? Với những cổ phiếu như vậy, việc đưa ra dự báo là điều hầu như là không thể.

Do đó, đối với các chỉ số như VN30 hay HNX30 thì tài sản cơ sở tức là các cổ phiếu trong rổ phải là những cổ phiếu có sự tin cậy để NĐT phân tích và dự báo. Tiếp đó, những cổ phiếu như nào chiếm tỷ trọng cao hơn, có tác động đến chỉ số nhiều nhất luôn được quan tâm nhất. Chẳng hạn như trong rổ VN30 hiện tại, việc phân tích xu hướng của nhóm cổ phiếu có tác động lớn VNM, VCB, GAS, VIC, CTG, BID, BVH, HPG là phần quan trọng trong việc dự báo xu hướng chung của chỉ số.

Cho nên, vấn đề mà nhiều nhà đầu tư quan tâm hiện nay đó chính là các chỉ số VN30 hay HNX30 sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới?

Xây dựng Bộ chỉ số tốt là xây dựng niềm tin

Trước thời điểm vận hành của thị trường phái sinh mà cốt lõi là hợp đồng tương lai VN30, ngày 31/5/2017, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã công bố Quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index mới với nhiều điểm thay đổi. Trong đó có một bổ sung đáng chú ý là điểm 3.5: “HOSE có thể loại trừ các cổ phiếu có “biến động thị trường bất thường” không phù hợp làm cổ phiếu thành phần của chỉ số căn cứ trên ý kiến tham vấn của Hội đồng chỉ số.”

Trao đổi với NDH về việc định hình lại các tiêu chí đánh giá Bộ chỉ số HOSE-Index, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Ủy viên HĐCS cho biết: “Việc xây dựng lại các tiêu chí của Bộ chỉ số HOSE-Index được HOSE và Hội đồng chỉ số (HĐCS) cùng nghiên cứu dựa trên tình hình thực tế. Mục đích của những thay đổi trong Quy tắc bộ chỉ số là nhằm tạo ra một bộ chỉ số có độ tin cậy cao, từ đó giúp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.

Trả lời vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm, liên quan đến các căn cứ xác định “biến động bất thường” để loại trừ cổ phiếu khỏi cổ phiếu thành phần của chỉ số, ông Linh cho biết có nhiều tiêu chí đã được thảo luận và thống nhất giữa HOSE và HĐCS, tất cả đều được ‘cân đo đong đếm’ dựa trên phân tích doanh nghiệp và phân tích dữ liệu thị trường của cổ phiếu. Quá trình sàng lọc bằng các phương pháp có cơ sở khoa học sẽ là luận cứ chắc chắn khi đưa ra quyết định.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Ủy viên HĐCS

Vị chuyên gia này cũng cho biết, “Đây là một thay đổi tích cực cho quy tắc bộ chỉ số và cho thị trường. Với độ chuyên nghiệp và khách quan cao của những người trực tiếp xây dựng bộ chỉ số trong HOSE và HĐCS, nhà đầu tư có thể an tâm về một bộ chỉ số chất lượng trong giai đoạn sắp tới.”

Quyết định 53 ngày 25/11/2015 về việc thành lập Hội đồng Chỉ số của Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh quy định: Hội đồng chỉ số có nhiệm vụ giám sát việc vận hành và duy trì các chỉ số nhằm đảm bảo chỉ số đáng tin cậy và mang tính đại diện cho thị trường.

Thành viên của HĐCS bao gồm những gương quen thuộc trong giới tài chính, đầu tư, học thuật. Đứng đầu danh sách là PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh Tế Tp.HCM - Chủ tịch hội đồng. Các ủy viên HĐCS gồm có TS Dương Như Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật; ông Huy Nam, Chuyên gia Kinh tế - Tài chính - Chứng khoán; ông Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VFM; bà Lê Yến Quỳnh, Giám đốc Nghiệp vụ, Quản lý Danh mục đầu tư Dragon capital; ông Trịnh Tuấn Minh, Trưởng phòng đầu tư Vinacapital; ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc CTCK HSC; ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCK SSI.

Theo Huy Nguyên/NDH

>> TTCK Việt Nam sắp có thêm rổ chỉ số VNX 50

Có thể bạn quan tâm