Doanh nghiệp tại Đà Nẵng đề xuất hỗ trợ nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP

Theo UBND TP Đà Nẵng, tỷ lệ các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu cho biết có sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực là khá lớn.

Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định về Báo cáo nghiên cứu tác động của CPTPP đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Theo đó, đánh giá của doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu được khảo sát, từ khi hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam, hoạt động xuất/nhập khẩu của một tỷ lệ lớn doanh nghiệp trả lời là có tăng, cụ thể: Tăng mạnh chiếm 8,8%; Tăng không đáng kể 23,5%; Không thay đổi chiếm 17,7%; Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết tình hình giảm xuất/nhập khẩu tại thị trường CPTPP chiếm 11,7%, trong đó Giảm không đáng kể chiếm 8,8%; Giảm mạnh chiếm 2,9%. Nguyên nhân của sự giảm sút này được các doanh nghiệp này cho biết chủ yếu là do tình kinh kinh tế vĩ mô bất lợi hoặc do tác động của đại dịch Covid-19.

Liên quan đến vấn đề tác động của CPTPP dưới góc nhìn của doanh nghiệp Đà Nẵng, nhóm nghiên cứu thu được 390 ý kiến phản hồi của doanh nghiệp. Cơ cấu mẫu bao gồm gần 41,7% là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến, chế tạo và xấp xỉ 58,3% doanh nghiệp có phản hồi là hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó thương mại chiếm khoảng 21,5%, 9,4% trong lĩnh vực vận tải, kho bãi hay logistics; 27,4 % dịch vụ khác. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu chiếm xấp xỉ 31,2% doanh nghiệp được khảo sát trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Doanh nghiệp tại Đà Nẵng đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực thi có hiệu của CPTPP
Doanh nghiệp tại Đà Nẵng đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực thi có hiệu của CPTPP

Từ những vướng mắc trong thực tế, để thực thi hiệu quả CPTPP, các doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ về Đào tạo kiến thức kinh tế quốc tế, nghiệp vụ ngoại thương, luật thương mại quốc tế, ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết khác chiếm đến 53,8%, tỷ trọng cao nhất.

Tiếp theo là các đề xuất về hỗ trợ thông tin như Phổ biến thông tin về các quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế (38,5%); Hỗ trợ thông báo kịp thời các rủi ro tiềm ẩn từ các thị trường nhạy cảm đến cộng đồng doanh nghiệp thông qua mạng xã hội trên Internet (34,6%); Có các hình thức thông tin hai chiều giữa cơ quan hoạch định chính sách và doanh nghiệp (định kỳ cung cấp thông tin, tham vấn với doanh nghiệp về việc thay đổi/điều chỉnh chính sách…) (32,7%); Cung cấp thông tin thị trường tiềm năng, bán hàng qua các cơ quan ngoại giao, thương vụ, hỗ trợ về xúc tiến thương mại, đầu tư và mở rộng thị trường (25,0%).

Đề xuất về hỗ trợ thủ tục hành chính, ở đây cụ thể là Xúc tiến thủ tục hải quan điện tử, C/O điện tử, thuế điện tử, chính sách một cửa để tạo thế cạnh tranh chung cho cả cộng đồng doanh nghiệp cũng được phần lớn doanh nghiệp lựa chọn, chiếm tỷ lệ 36,5%.

Có thể bạn quan tâm