Doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị gì cho TPP

Hầu hết các hiệp định thương mại quan trọng như TPP hay EVFTA sẽ có hiệu lực trước năm 2020 và vì thế chúng ta cần có một sự chuẩn bị song song. Vậy, đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã chuẩn bị được
Doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị gì cho TPP
Hầu hết các hiệp định thương mại quan trọng như TPP hay EVFTA sẽ có hiệu lực trước năm 2020 và vì thế chúng ta cần có một sự chuẩn bị song song. Vậy, đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã chuẩn bị được những gì cho TPP?
Ở thời điểm hiện tại, guồng quay của bánh xe cải cách nền kinh tế Việt Nam dường như là điều không thể cản lại, khi nỗ lực của Nhà nước và Chính phủ tiến hành cải cách là điều rất rõ ràng. Những mục tiêu cải cách cho giai đoạn 2016-2020 đã được thiết lập, với những bước đi ban đầu là những cải cách nền tảng, chủ yếu là về pháp lý, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Đặt ra mục tiêu có thời hạn 5 năm là điều cần thiết, khi mà quá trình cải cách nền kinh tế được đánh giá là sẽ còn mất rất nhiều thời gian; tuy nhiên không vì thế mà chúng ta quên đi những mục tiêu mang tính ngắn hạn, điển hình là các hiệp định thương mại quan trọng như TPP hay EVFTA. Hầu hết các hiệp định thương mại này (nếu không có gì thay đổi) sẽ có hiệu lực trước năm 2020, và vì thế chúng ta cần có một sự chuẩn bị song song. Vậy, đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã chuẩn bị được những gì cho TPP? Nếu phải so sánh giữa các mục tiêu cải cách kinh tế dài hạn (giai đoạn 2016-2020) với các mục tiêu hướng tới các hiệp định thương mại quan trọng như TPP, thì chúng ta cần thừa nhận một thực tế rằng: hai sự chuẩn bị này có những điểm khác biệt. Nỗ lực cải cách nền kinh tế hiện nay của Nhà nước và Chính phủ đang hướng tới những cải cách mang tính nền tảng, chủ yếu là về pháp lý, thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh; nói cách khác là những cải cách mang tính phổ quát và có mức độ lan rộng trong khắp nền kinh tế để mọi lĩnh vực đều có thể phát triển đúng với tiềm năng. Đó là điều hết sức cần thiết với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khi điều quan trọng nhất là cần phải giải phóng tất cả mọi tiềm năng sẵn có. Tuy nhiên, những mục tiêu hướng tới các hiệp định thương mại như TPP lại có một số điểm khác biệt. Sẽ có một số lĩnh vực được hưởng nhiều lợi ích từ TPP hơn hẳn so với các lĩnh vực còn lại và được xem là những lĩnh vực mũi nhọn mà chúng ta cần tập trung đầu tư, phát triển để khai thác tối đa lợi ích. Có thể kể đến một số lĩnh vực mũi nhọn đó như: dệt may, nông nghiệp, các sản phẩm điện tử công nghệ cao. Nói cách khác, để tận dụng tối đa lợi ích mà các hiệp định thương mại như TPP hay EVFTA mang lại, thì ngoài các cải cách kinh tế mang tính nền tảng đang được Chính phủ triển khai, chúng ta còn cần những kế hoạch tổng thể phát triển riêng cho từng lĩnh vực mũi nhọn trên để phù hợp với tình hình hiện tại. Nhưng, điều đáng tiếc nhất tính đến thời điểm hiện tại là điều này vẫn chưa diễn ra. Chúng ta vẫn chưa có những kế hoạch tổng thể phát triển riêng cho từng lĩnh vực mũi nhọn này để đón đầu cơ hội mà TPP hay EVFTA mang lại. Ngành dệt may là một điển hình. Cả hai hiệp định TPP và EVFTA đều quy định khá nghiêm ngặt về vấn đề xuất xứ từ sợi (TPP) và vải (EVFTA), tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại dù đã qua nhiều tháng liên tục cảnh báo thì tỷ lệ nguyên phụ liệu cho dệt may ở Việt Nam nhập từ các nước ngoài TPP vẫn chiếm tới 80% - một tỷ lệ cao đến mức đáng lo ngại. Đó là số liệu thống kê được ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) đưa ra vào ngày 21.6. Nguyên nhân của tình trạng này đã được đề cập từ trước khi đàm phán TPP được hoàn tất, chủ yếu là do các doanh nghiệp dệt may trong nước phần lớn có quy mô nhỏ và năng lực tài chính hữu hạn (do chủ yếu tập trung vào khâu gia công có giá trị gia tăng thấp), nên không đủ nguồn lực để đầu tư vào công nghệ dệt, nhuộm để đáp ứng các yêu cầu xuất xứ từ sợi của TPP. Chắc chắn là với tốc độ cải thiện vấn đề xuất xứ từ sợi của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chậm chạp như thế này, thì khi TPP có hiệu lực và đi vào hoạt động không những giá trị xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam không tăng lên (mục tiêu tăng gần gấp đôi từ 29,5 tỉ USD năm 2016 đến 50 tỉ USD vào năm 2020), mà còn có thể sụt giảm do không đáp ứng các quy định của TPP và EVFTA. Điều đáng nói là cả hai hiệp định thương mại lớn có quy định khắt khe về xuất xứ từ sợi và vải mà Việt Nam đã ký kết là TPP và EVFTA lại chính là hai thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam là Mỹ (Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất vào thị trường Mỹ) và EU (Việt Nam đứng thứ 6). Điều tương tự cũng đang diễn ra trong các lĩnh vực được đánh giá là sẽ trở thành lĩnh vực mũi nhọn khi TPP hay EVFTA có hiệu lực là sản phẩm điện tử công nghệ cao. Một thực tế đáng buồn là bất chấp những quy định hỗ trợ phát triển về công nghiệp phụ trợ của Chính phủ, thì lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam vẫn chưa có những bước tiến đáng kể. Ông Hirotaka Yasuzumi, trưởng đại diện của Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản ở Việt Nam (JETRO), cho rằng nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ được ban hành cuối năm trước vẫn chưa thấy hiệu quả. Hơn nữa, những doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng do chính sách hỗ trợ của chính phủ cho các đối tượng này lại không được thông báo rộng rãi nên không thu được kết quả. Ông Hirotaka cho rằng mấu chốt hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, nhưng việc tiếp cận được vốn tại các ngân hàng và các tổ chức tín dụng thì vô cùng khó khăn với họ. Một câu chuyện khá điển hình về tình trạng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam vẫn chưa có những bước tiến đáng kể, là việc số lượng các doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng của tập đoàn công nghệ nổi tiếng Samsung ở Việt Nam đã tăng lên trong thời gian qua, từ 4 nhà cung cấp cấp 1 vào năm 2015 lên 12 nhà cung cấp cấp 1 ở thời điểm hiện tại, và đây được nhiều người xem là một thành công khi Samsung là một trong những tập đoàn có tiêu chuẩn khắt khe nhất về công nghệ. Tuy nhiên, dường như số tăng đó vẫn chủ yếu tập trung ở khâu cung cấp bao bì và in ấn chứ không phải là cung cấp các sản phẩm công nghệ cao. Dĩ nhiên là ở thời điểm hiện tại, khi Nhà nước và Chính phủ đang tập trung cho các cải cách kinh tế mang tính nền tảng và phổ quát – vốn là điều vô cùng quan trọng với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, thì việc xao lãng yêu cầu cần có những kế hoạch tổng thể riêng biệt để phát triển các lĩnh vực mũi nhọn là điều có thể hiểu được. Nhưng khi mà TPP và EVFTA đã ở rất gần, thì việc có những động thái chuẩn bị là điều cần thiết. Nếu tận dụng được tối đa lợi ích mà các lĩnh vực mũi nhọn thu được từ các hiệp định thương mại này, thì đó sẽ là một đòn bẩy cực kỳ hữu dụng cho chính nỗ lực cải cách nền kinh tế của Nhà nước và Chính phủ. Nhàn Đàm (theo The Saigon Times)

Có thể bạn quan tâm