Doanh nghiệp Việt tìm đối sách trước làn sóng bảo hộ thương mại

Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin pháp luật, nâng cao nhận thức để đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại đang ngày càng phức tạp trên thế giới.
Doanh nghiệp Việt tìm đối sách trước làn sóng bảo hộ thương mại

Thương mại toàn cầu đã và đang chứng kiến những biểu hiện bảo hộ thương mại phức tạp, đặc biệt là ở một số thị trường lớn.

Trong khi đó, trước chính sách bảo hộ thương mại, tất cả những công ty sản xuất các sản phẩm cuối cùng trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mất tính cạnh tranh vì bây giờ họ phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn. Các doanh nghiệp sẽ phải tăng giá thành sản phẩm của mình hoặc mua tất cả các bộ phận từ các nguồn cung trong nước.

Tại Hội thảo Xu hướng mới trong pháp luật và phòng vệ thương mại Hoa Kỳ do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, đánh giá tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại liên quan tới Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho biết, hiện hàng hóa của Việt Nam là đối tượng của 107 vụ điều tra phòng vệ thương mại.

Trong đó, 78 vụ kiện chống bán phá giá trên thế giới, 12 vụ điều tra chống trợ cấp và 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Trong số 78 vụ điều tra chống bán phá giá của Việt Nam thì có 37 vụ là liên quan đến sắt thép - chiếm gần 1/2 các loại hàng hóa. Sau sắt thép,​ mặt hàng dệt sợi và nông thủy sản cũng là những mặt hàng bị kiện nhiều.

Theo bà Trang, tính đến tháng 5/2018, Bộ Thương mại có hơn 400 lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp có hiệu lực, trong đó có 10 lệnh liên quan đến Việt Nam. Các sản phẩm bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất là sắt thép, tiếp đó là sợi, dệt, nông sản, thủy sản.

Đáng chú ý, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nhưng cũng là thị trường chiếm tới 22% tổng số vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở nước ngoài. Tiếp đó là các thị trường Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, EU, Canada, Braxin.

Số lượng các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp khởi xướng bởi Bộ Thương mại Hoa Kỳ tăng lên hàng năm, năm 2016 là 56 vụ, năm 2017 có 73 vụ, riêng 5 tháng đầu năm 2018 là 53 vụ.

Đặc biệt, một số nước như là Indonesia, Malaysia và Thái Lan trước năm 2011 chưa từng kiện chống bán phá giá Việt Nam thì từ năm 2011 đến nay những nước này đã kiện dồn dập và đây cũng là những nước bị kiện nhiều trên thế giới.

Bên cạnh các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp, Việt Nam cũng bị kiện chống lẩn tránh thuế tất cả là 17 vụ và trong đó chủ yếu là từ EU, bà Trang cho hay.

Giải pháp để giảm đến mức thấp nhất số lượng các vụ kiện chống bán phá giá, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cho rằng: "Các vụ kiện chống bán phá giá thường có thời hạn rất ngắn, các yêu cầu về kỹ thuật lại rất phức tạp. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho các vụ kiện ở nước ngoài, chưa kể đến việc lạ về phong tục tập quán, thiếu sự hỗ trợ của luật sư cùng với rất nhiều yếu tố khác, nên chuẩn bị được sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó".

Bà Trang khuyến nghị: “Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức để có những hiểu biết nhất định về quy trình kiện, về những thị trường mà mình đang xuất khẩu. Cần chuẩn bị trước về kiến thức, hồ sơ, chứng từ sổ sách sao cho minh bạch, rõ ràng và phù hợp để đến khi cần thì có thể chứng minh được dễ dàng hơn.

Đồng thời, cần chú trọng hơn đến công tác phòng vệ thương mại, kịp thời phòng tránh các tác động của phòng vệ thương mại và có biện pháp để hạn chế khả năng Hoa Kỳ nói riêng và các nước khác nói chung điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm.

Cần chủ động nắm bắt thông tin pháp luật, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra, phối hợp với các bên liên quan trong quá trình theo đuổi các vụ kiện phòng vệ thương mại để chứng minh hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp phù hợp với luật pháp thông lệ quốc tế. Các doanh nghiệp

Bên cạnh đó, thường xuyên cùng với các đối tác nhập khẩu theo dõi sát các động thái từ phía Hoa Kỳ, đây cũng là những bước chuẩn bị trước hoặc sẵn sàng cho những vụ kiện, bà Trang cho hay.

Đề cập tới một số xu hướng mới của Hoa Kỳ trong chính sách phòng vệ thương mại, ông Daniel Calhoun, Luật sư trưởng, Vụ Thực thi và tuân thủ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, về cơ bản thì luật pháp quốc tế về vấn chống bán phá giá, chống trợ cấp và lẩn trốn thuế vẫn được áp dụng như cũ. Mỗi quốc gia sẽ có những quy định riêng để thực thi chính sách này.

Hiệp định của WTO về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thì không thay đổi, cho dù gần đây, đàm phán Doha đang nỗ lực thay đổi một số nội dung có liên quan tới 3 lĩnh vực nói trên, nhưng chưa đạt được kết quả.

Theo Theleader

Có thể bạn quan tâm