Doanh nghiệp xây dựng "kêu trời" vì nợ đọng

Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp, những khoản nợ đọng khiến các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ.
Doanh nghiệp xây dựng "kêu trời" vì nợ đọng

Theo VACC, khoảng 90% là doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ, quy mô vốn dao động dưới 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chỉ phổ biến quy mô vốn 500 - 1.000 tỷ đồng, chưa đến 10 doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng. 

Khi thực hiện các hợp đồng xây dựng, phần lớn doanh nghiệp chỉ được tạm ứng 10 - 15% giá trị hợp đồng nên khi triển khai thực hiện phải sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để mua vật tư, huy động xe máy, nhân công, và thường chịu mức lãi suất khoảng 9 - 10%/năm.

Vay nợ nhiều đang ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Có những tập đoàn một quý năm 2022 đạt doanh thu đến 3.000 tỷ đồng nhưng hiệu quả chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ đồng, ông Hiệp cho biết.

Trong khi đó, tình trạng nợ đọng không thanh toán đang khá phổ biến ở tất cả các doanh nghiệp ngành xây dựng.

Nợ đọng công trình đầu tư công chủ yếu từ các công trình đã kết thúc 2-3 năm trước nhưng chưa quyết toán và thanh toán được do có phát sinh hoặc do hồ sơ thanh toán chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra còn có nợ vốn đầu tư ngoài ngân sách do một số chủ đầu tư chây ì cố tình không thanh quyết toán, đặc biệt ở mức 25% cuối của dự án mặc dù đã đưa vào khai thác sử dụng.

"Chính vì những khoản nợ đọng này nên các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ", ông Nguyễn Quốc Hiệp bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm