Doanh nhân - Cựu chiến binh Nguyễn Thị Bảo Hiền: “Biết thắng và quyết thắng"

Với Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hiền Lê - Nguyễn Thị Bảo Hiền, danh hiệu người lính – người cựu chiến binh có nhiều năm phục vụ trong quân ngũ và “người lính thời bình” đi đầu trên thương trường luôn chinh phục những lĩnh vực mới mẻ, khó khăn.
Doanh nhân - Cựu chiến binh Nguyễn Thị Bảo Hiền: “Biết thắng và quyết thắng"

Có thể giới thiệu vắn tắt về nữ doanh nhân Bảo Hiền thế này - Là người con của đất Thanh Hà - Hải Dương, 14 tuổi chị đã vào thiếu sinh quân và trở thành “người lính cụ Hồ” từ ấy. Sau thời gian tham gia quân ngũ, trở về đời thường chị bắt đầu gây dựng doanh nghiệp thực sự từ hai bàn tay trắng.

“Quân đội đã cho tôi “vốn” quý nhất để khởi nghiệp – đó là tinh thần kỷ luật, ý chí vượt khó và đức tính chăm chỉ…” - Chị Hiền chia sẻ với tôi  những khó khăn chồng chất ban đầu và đúc kết những thuận lợi mình có.

Từ một người lính sống nghiêm túc, đầy tinh thần kỷ luật, tuân thủ chỉ đạo của cấp trên, giờ tự mình phải đứng ra làm chủ, tự lo cho mình và gia đình cùng những người đi theo là cả một quá trình thay đổi tư duy và thực sự dấn thân. Sự mạnh mẽ tinh thần “thép”của người lính giúp chị từ ngày ấy. Tiếp xúc với chị, ai cũng nhận thấy từ chị toát lên phẩm chất thẳng thắn, ý chí quyết tâm đã nói là làm.

Có lẽ chính đức tính ấy của chị đã “chinh phục” các đối tác khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu… “Chị làm cho người đối diện như chúng tôi “bắt” phải tin tưởng chị… - Lời một đối tác quan trọng, sau này đã trở nên thân thiết nói về ấn tượng đầu tiên gặp chị - như thế! Còn tôi vẫn gọi chị bằng biệt danh khá dài: “Bà phù thủy biến phế liệu thành hàng hiệu” - đúng như giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp chị đã và đang làm.

Khát vọng vươn lên

Tôi lần đầu gặp chị giữa đông đảo các nữ doanh nhân thành đạt - nhớ ngay một người không khoa trương ồn ào nhưng phát biểu đầy ấn tượng và nói điều gì là “đóng đinh” điều ấy. Dường như “chất lính” trong chị còn nhiều lắm.

Tôi còn chú ý chị ở khía cạnh đặc biệt – trong thời kinh tế thị trường, không ít doanh nghiệp nhảy vào bất động sản và giàu lên nhanh chóng thì người lính doanh nhân này lại chọn “con đường khó đi” nhất là với nữ: luyện cán thép, điện tử, bao bì, làm sạch công nghiệp…

Chị bảo “Ai cũng có nhiều con đường để lựa chọn, vấn đề là chọn thế nào! Đôi khi cũng là do số phận. Tôi con nhà lính quen với khó khăn vất vả…” Những người có điều kiện tiếp xúc và thân thiết với doanh nhân đều hiểu họ đa phần không hề bước trên con đường trải thảm mà thực ra trên đó đong đầy mồ hôi, nước mắt, không loại trừ sự cô đơn cùng cực. Có điều người đời ít khi chịu nhìn “mặt trái của tấm huân chương,” mà chỉ chăm chăm nhìn vào mặt rực rỡ, hào nhoáng của nó.

Chị Hiền cũng vậy, sự nghiệp, thành quả đến với chị không hề dễ dàng. Tôi biết nếu viết về những vất vả gian nan, thậm chí có cả những lúc tuyệt vọng mà nhiều nữ doanh nhân – như chị Bảo Hiền  - từng trải chắc chắn phải là cả một cuốn sách mới chứa đủ. Chắc chắn rằng để có một Bảo Hiền hôm nay phải tính cả những lần thất bại không làm chị gục ngã mà còn trui rèn và giúp chị tìm ra con đường phải đi.

Chị vẫn khắc cốt ghi tâm về điều quý giá nhận được từ sự động viên nâng đỡ của bạn bè, đồng đội và đặc biệt là gia đình trong tất cả các hoàn cảnh đã trải. Nhớ lại lúc “vạn sự khởi đầu nan,”chị nhắc mãi về lời khuyên một cách rất hình ảnh “Hãy tìm cách đi vào giữa những kẽ chân người khổng lồ!” của một người bạn thân thiết.

Doanh nhân Bảo Hiền. (Nhiếp ảnh: Thiên Hùng)
Doanh nhân Bảo Hiền. (Nhiếp ảnh: Thiên Hùng)

Chị đã thành công khi chọn cách đi cùng đầy thông minh bên những người khổng lồ ấy. Nghĩ về chị, tôi nhớ đến câu châm ngôn được “ hiện đại hóa” rằng: “Hãy cho tôi biết đối tác của anh là ai, tôi sẽ tự hiểu doanh nghiệp của anh thế nào và ở đâu trong “bản đồ kinh tế” - Những đối tác gắn bó với chị như Canon (Nhật Bản), Sam sung (Hàn Quốc)…rõ ràng đủ nói lên tầm vóc của nữ doanh nhân này.

Ai cũng biết trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, dù cả nhà nước và doanh nghiệp đều quan tâm nhưng kết quả vẫn rất phải chăng và chuỗi cung ứng dường như vẫn nằm ở chính… các DN có vốn đầu tư nước ngoài thì Hienle Group và doanh nhân Bảo Hiền là một những trường hợp hiếm hoi và thật quý giá.

Chị cho rằng, làm việc với những tập đoàn lớn khiến chị và gia đình cùng các cộng sự có được phong cách làm việc chuyên nghiệp, vận hành và tổ chức nhà máy hiện đại và nhất là học được từ họ dám nghĩ lớn làm lớn!Tôi không thể không đặt cho chị những câu hỏi rất đỗi bình thường để tìm ra sự khác biệt của người nữ DN này.

Nếu để nói ngắn về bí quyết thành công của mình, chị sẽ nói gì?

"Với tôi chỉ có mấy từ thật đơn giản, làm gì cũng có nguyên tắc, cố gắng và chăm chỉ hơn nữa, thật sự tôn trọng khách hàng!"

Có gì chung giữa người lính và doanh nhân trong chị?

"Có một lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà thời trong quân ngũ chúng tôi thuộc nằm lòng: “Muốn chiến thắng thì phải quyết chiến thắng!”.

Sau này khi trở thành doanh nhân, tôi lại được nghe lời dặn của Đại tướng cho cộng đồng DN – DN “phải biết thắng và quyết thắng!” Điều ấy lay động trái tim tôi và tôi hiểu mình muốn thành công phải học và làm theo được lời dạy ấy từ Người! Phải có ý chí và quyết tâm. Đấy cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi của bạn!

Tôi hiểu điều nữ doanh nhân này chia sẻ. Cuộc đời, sự nghiệp của chị đã minh chứng cho điều ấy. Đang ở đỉnh cao của thành công và dù đã ngoài lục tuần, một lần nữa chị quyết tâm dấn bước, tìm và mở một con đường mới – dù biết trước sẽ gặp muôn vàn khó khăn".

DN Nguyễn Thị Bảo Hiền 

Nghĩ lớn, làm lớn

Cũng bắt nguồn từ chính những đối tác Nhật Bản mà chị Hiền trăn trở về con đường mới cho doanh nghiệp mình. Đất nước mình “bờ xôi ruộng mật” thời tiết thuận lợi, người nông dân hay lam hay làm mà so với những đất nước phát triển dân mình vẫn khổ quá!

Là người con của nông dân đi ra với thế giới, phải có cách gì để thay đổi điều này giúp nông dân cũng là giúp chính quê hương, người thân và cả mình trong đó! Trong tất cả những chuyến đi làm việc tại nước ngoài, chị cứ trăn trở thế…

Những người bạn Nhật hiểu và chia sẻ những day dứt của chị và sẵn lòng giúp đỡ khiến chị thêm vững tâm. Năm 2015 chị đầu tư hàng trăm tỉ đồng làm nhà máy chế biến rau quả cấp đông tại Hải Dương và phát triển các vùng sản xuất có quy mô lớn tại Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình và chính thức bước vào làm nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm chính như khoai sọ, đậu tương, vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương Quốc Anh.

Hienle Group hợp tác với Nosui - Tập đoàn hàng đầu về thực phẩm của Nhật Bản và được họ hỗ trợ trong tất cả các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến… Đối với vùng sản xuất, công ty đưa máy móc công nghệ vào thay đổi tư duy làm nông nghiệp cho nông dân, tăng năng suất lao động, sản xuất theo đúng quy trình sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm…

“Bắt đầu từ chính mong muốn làm nông sản sạch phục vụ cho cuộc sống, tôi nhận ra thị trường nông sản thế giới còn rất lớn. Khi ta đã có nền nông nghiệp sạch tiên tiến thì cơ hội xuất khẩu ra khắp thế giới đều rộng cửa. Không chỉ doanh nghiệp mà nông dân đều được hưởng lợi. Đất nước mình 80% là nông dân - chính chúng ta cũng là con em nông dân mà ra vì vậy phải làm điều gì đó cho chính những người chúng ta chịu ơn …”, chị Hiền chia sẻ chân thành mà thấm thía.

Với chị, đầu tư nông nghiệp là chuyện đường dài, không phải ngày một ngày hai, không thể có lãi ngay được. Chính vì vậy 5 năm đi tìm hiểu thị trường và kinh nghiệm gần 5 năm bắt tay vào thực hiện “cuộc cách mạng” của mình, nữ doanh nhân này chưa thấy con số lãi cụ thể!

“Cái lãi lớn nhất là chúng tôi đã tự tìm ra con đường mới cho mình – Con đường dài và bền vững. Chúng tôi biết phải kiên tâm đi hết đường mình đã chọn. Đối tác Nhật Bản đánh giá cao sản phẩm của chúng tôi và họ thực sự rất hài lòng. Đó chính là “lãi” để DN tiếp tục phát triển và tiến xa hơn!”, chị Hiền nói. 

Doanh nhân Bảo Hiền. (Nhiếp ảnh: Thiên Hùng)
Doanh nhân Bảo Hiền. (Nhiếp ảnh: Thiên Hùng)

Câu chuyện giữa chúng tôi đang hồi say sưa thì chị Hiền nhận được điện thoại từ Hải Phòng. Được biết Hải Phòng là hướng đầu tư lớn của Hienle Group bởi chị Hiền hiểu rằng đây là thành phố công nghiệp nên tỉ lệ nông dân bỏ ruộng làm nghề khác khá cao, việc tích tụ ruộng đất thuận lợi hơn, thổ nhưỡng tốt, phù hợp với giống cây trồng để xuất khẩu, đặc biệt chính quyền thành phố rất ủng hộ và tạo điều kiện cho DN làm nông nghiệp sạch…

Tại đây Hienle Group đã triển khai 260 ha cây trồng, tạo công ăn việc làm cho 300 nông dân. Chị Hiền vui mừng kể về “thành quả” của mình: “Từ những chân ruộng bỏ hoang hoặc những ruộng cho năng suất thấp chỉ từ 70-140kg thóc/sào, thu nhập của người làm nông chỉ được chưa đầy triệu bạc/tháng; Giờ đây công lao động mà Cty trả cho họ thấp nhất là 4,5 triệu và cao nhất lên tới 14-15 triệu/tháng…”, giọng chị hồ hởi.

Tôi biết chị vui mừng vì đã góp phần trả ơn được đồng đất và người nông dân bởi đạo lý “ăn quả nhớ ơn kẻ cấy cày” của bao đời truyền lại. Thành quả ấy thật đáng tự hào, không chỉ cho riêng cá nhân chị. Từ khách hàng Nhật Bản, Anh Quốc, thị trường của Hiền Lê mở rộng ra cả Bỉ, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…

Chị Hiền cho biết đang tập trung xây nhà máy trên diện tích 8ha cũng tại Vĩnh Bảo (Hải Phòng)… Câu chuyện điện thoại của chị Hiền khiến tôi hiểu mong muốn được hợp tác của người ở đầu dây bên kia với chị để làm nông sản xuất khẩu… 

Tầm nhìn, thực tế và kết quả làm việc của nữ doanh nhân này đã có sức hút và truyền cảm hứng cho người khác như thế. Tôi biết chị còn tạo điều kiện, giúp đỡ, giới thiệu đối tác cho không ít doanh nghiệp muốn bước sang làm nông nghiệp xuất khẩu.

Trả lời câu hỏi rằng tại sao không ngại cạnh tranh mà còn tạo “đối thủ” cho chính mình, chị Bảo Hiền chỉ trả lời thật đơn giản nhẹ nhàng: “Cơ hội còn rất nhiều, giúp người cũng là giúp mình bởi “Buôn có bạn, bán có phường”. Điều quan trọng các cụ đã dạy rồi “Có đức thả sức mà ăn”…Tính cách chân thành, thẳng thắn của nữ doanh nhân Bảo Hiền bộc lộ rõ trong cách ứng xử, giúp đỡ bạn bè như vậy…

Câu chuyện giữa chúng tôi chốc chốc lại gián đoạn bởi công việc của Hiệp hội doanh nhân cựu chiến binh mà chị Hiền làm Phó chủ tịch thường trực và dành nhiều tâm huyết. Tình đồng đội là điều vô cùng thiêng liêng mà chị Hiền luôn gìn giữ và nuôi dưỡng. Dường như những điều tốt đẹp này cũng truyền thêm sức mạnh cho chị, khiến chị luôn luôn tràn đầy nhiệt huyết.

Những bước đi sắp tới đã được chị hoạch định và đang thực hiện một cách bài bản chính xác: Năm 2021 giải phóng xong mặt bằng và bắt tay vào xây dựng nhà máy hiện đại, có tên tuổi trong lĩnh vực nông sản để đầu năm 2023 đi vào sản xuất. Năm 2025 Hienle Group sẽ đưa sản phẩm nông sản VN ra với thị trường toàn thế giới…

Nhìn gương mặt cương nghị, sự say mê và hào hứng trong giọng nói đầy nội lực của chị tôi tin vào sự thành công tốt đẹp cũng như chị đã tin vào con đường mình đã chọn. Tôi chợt nhớ câu đối mà giáo sư Vũ Khiêu tặng gia đình chị và thấy nó thật đúng với con người và cuộc đời của chị

“Hiền nhân quân tử thành công dị

Tuấn Tú Anh Minh phúc lộc trường”

Có thể bạn quan tâm