Dự án BT Thủ Thiêm: Áp giá đất rẻ, nhà đầu tư hưởng lợi bao nhiêu?

Nhà đầu tư đã được hưởng lợi lớn do chênh lệch địa tô, qua việc được UBND TP HCM chỉ định làm chủ đầu tư các dự án xây các tuyến đường chính và dự án Cầu Thủ Thiêm 2, thanh toán bằng đất giá rẻ, trái
Dự án BT Thủ Thiêm: Áp giá đất rẻ, nhà đầu tư hưởng lợi bao nhiêu?

Trái chỉ đạo của Thủ tướng

KĐTM Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 1996 với quy mô 930 ha. Trong đó, Khu đô thị mới 770 ha, Khu tái định cư 160 ha, dân số Khu đô thị mới khoảng 200.000 người, Khu tái định cư khoảng 45.000 người, tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn đối diện với Quận 1, là một trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của Thành phố.

Tại Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ mới đây đã chỉ ra rõ hàng loạt những sai phạm liên quan đến công tác đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao) tại KĐTM Thủ Thiêm. Trong đó, toàn bộ quỹ đất trong KĐTM Thủ Thiêm là 221,68 ha được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng TP HCM đã sử dụng chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Mà nổi bật nhất là 02 dự án BT (dự án 04 tuyến đường chính và dự án Cầu Thủ Thiêm) mà Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh lđược chỉ định làm chủ đầu tư.

Tại dự án BT xây dựng 04 tuyến đường chính KĐTM Thủ Thiêm theo Thanh tra Chính phủ, UBND TP HCM chấp thuận chủ trương chỉ định giao cho Công ty cổ phần Đại Quang Minh là Nhà đầu tư Dự án BT khi chưa yêu cầu nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất và đánh giá các tiêu chuẩn về kinh nghiệm (thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý dự án), chưa đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu, khả năng huy động vốn, năng lực quản lý kinh doanh), không đăng trên Báo Đấu thầu 03 số liên tiếp theo quy định.

Dự án này được phê duyệt tổng mức đầu tư là 12.182 tỷ đồng khi chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan không đúng quy định, dẫn đến qua thanh tra phát hiện một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị lên đến 1.519 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND TP HCM còn chấp thuận cho chỉ định bổ sung 02 dự án vào hợp đồng BT 04 tuyến đường chính gồm: Quảng trường trung tâm, công viên bờ sông và Khu lâm viên sinh thái thuộc vùng châu thổ phía Nam. Đồng thời, giao, phê duyệt tiền sử dụng đất 07 lô đất và ký hợp đồng BT bổ sung giá trị 1.999 tỷ đồng khi chưa có dự án được phê duyệt. Theo Thanh tra Chính phủ việc làm trên là không đúng quy định về quản lý đầu tư.

Tại thời điểm thanh tra, Công ty cổ phần Đại Quang Minh cũng đang hạch toán chi phí, trong đó có 25,422 tỷ đồng không đủ điều kiện để quyết toán trong chi phí cho Dự án. Đối với dự án BT Cầu Thủ Thiêm 2, UBND TP HCM trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho chỉ định Nhà đầu tư.

Ban đầu UBND TP HCM đã có chủ trương chọn Vinaconex làm chủ đầu tư thực hiện dự án, nhưng sau đó lại giao cho Công ty cổ phần Đại Quang Minh, đồng thời thay đổi quy mô cầu từ 04 thành 06 làn xe nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ cho biết, Công ty cổ phần Đại Quang Minh được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án khi chưa có Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, chưa xem xét kỹ đến các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm.

Dự án được phê duyệt tổng mức đầu tư là 4.260 tỷ đồng, tuy nhiên qua thanh tra phát hiện một số khoản chi phí không đúng quy định với tổng giá trị 252,891 tỷ đồng.

Áp giá đất “bèo” gây thất thu

Đối với các dự án đối ứng Thanh tra Chính phủ cho rằng, UBND Thành phố đã chấp thuận sử dụng quỹ đất sạch trong KĐTM Thủ Thiêm để cân đối, thanh toán cho các dự án BT của Công ty Đại Quang Minh không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thực chất là chỉ định nhà đầu tư trái quy định.

Đáng chú ý là việc tính tiền sử dụng đất đối ứng để thanh toán cho các dự án BT trên bằng chi phí đầu tư bình quân 26 triệu đồng/m2 là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định. Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc này cần phải xem xét, xác định lại để truy thu, tránh thiệt hại cho nhà nước.

Sau 2 chục năm đeo đuổi vụ kiện, người dân Thủ Thiêm đã bất đắc dĩ trở thành "những người khiếu kiện chuyên nghiệp"

Mặt khác, TP HCM đã chấp thuận ký và thanh lý Hợp đồng số 09/HĐ-BQL-KH ngày 28/12/2011 giao đất có thu tiền sử dụng đất, sau đó chỉ định nhà đầu tư dự án BT 04 tuyến đường chính, cho phép sử dụng giá trị tiền sử dụng đất trên để thanh toán đối ứng không đúng quy định. Chính vì vậy việc phê duyệt lại giá trị quyền sử dụng đất làm giảm so với giá trị đã được xác định, phê duyệt tại Hợp đồng số 09/HĐ-BQL-KH 2.479 tỷ đồng là thiếu cơ sở pháp lý.

Ngoài ra, việc UBND TP HCM ký Hợp đồng BT với Công ty cổ phần Đại Quang Minh, trong đó, xác định giá trị quyền sử dụng đất các khu đất đối ứng để thanh toán Hợp đồng BT là 12.490 tỷ đồng khi chưa có chứng thư thẩm định giá, chưa có quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất. Điều này dẫn đến chênh lệch giảm tiền sử dụng đất 3.901 tỷ đồng so với giá trị đã được UBND Thành phố thẩm định, phê duyệt trước đó, nguy cơ thiệt hại ngân sách Nhà nước.

Mặc dù, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán đối ứng cho dự án BT 04 tuyến đường chính chưa đúng quy định nhưng UBND TP HCM đã tính tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp là 4.225 tỷ đồng, đã nộp 2.376 tỷ đồng, số còn lại đến nay chưa nộp là 1.800 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ cho rằng, cần xem xét tính lãi chậm trả và thu hồi về ngân sách nhà nước theo quy định.

Thanh tra Chính phủ kết luận, trách nhiệm để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm trong việc phê duyệt Tổng mức đầu tư, chỉ định nhà đầu tư các dự án BT, ký kết hợp đồng và giao đất thanh toán đối ứng các hợp đồng BT, giảm tiền sử dụng đất thiếu căn cứ trên thuộc lãnh đạo UBND TP HCM và lãnh đạo các sở, ngành tham mưu như: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban Quản lý KĐTM Thủ Thiêm.

Nên nhớ rằng, người dân Thủ Thiêm đã khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài nhiều năm nay cũng chỉ vì mất đất canh tác, vì phương án bồi thường không thỏa đáng. Trong khi đó các dự án đối ứng cho nhà đầu tư lại được áp “giá đất bèo” thiếu căn cứ để sở hữu hàng trăm hecta đất tại KĐTM Thủ Thiêm thì đây có phải là nghịch lý khiến người dân Thủ Thiêm khóc dòng nhiều năm nay!

Kết luận thanh tra nêu rõ: Các cơ quan chức năng liên quan của Thành phố đã đề xuất và được Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố phê duyệt chi phí đầu tư bình quân cho 1m2 đất thương mại – dịch vụ - nhà ở là 26 triệu đồng/m2, chênh lệch giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu với lý do loại bớt một số chi phí cho các hạng mục công trình đã được phê duyệt quy hoạch có tổng giá trị là 17.042 tỷ đồng.

Ngoài ra, khi đề xuất phương án giá trên, các sở, ngành và UBND TP HCM đã không tính lãi đối với khoản tiền được tạm ứng từ ngân sách nhà nước, dẫn đến, tổng mức đầu tư đã xác định và phê duyệt là không đúng quy định.

Việc UBND Thành phố và các sở, ngành lấy giá 26 triệu đồng/m2 làm giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư hoặc tự thỏa thuận khi giao đất cho nhà đầu tư tại các dự án trong KĐTM Thủ Thiêm là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định.

 >> Đầu tuần tới, TP. HCM sẽ tổ chức họp báo về vấn đề Thủ Thiêm

Có thể bạn quan tâm