Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn khai trương văn phòng tại Bình Thuận

Công ty Cổ phần Phát triển dự án Điện gió La Gan vừa khai trương văn phòng tại Thành phố Phan Thiết, đánh dấu một cột mốc quan trọng cho sự phát triển của dự án điện gió ngoài khơi La Gàn.
Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn khai trương văn phòng tại Bình Thuận

Buổi lễ khai trương văn phòng diễn ra vào ngày 30 tháng 3 năm 2021, với sự tham gia của các đơn vị phát triển dự án, đại diện chính quyền địa phương, Đại sứ quán Đan Mạch và các nhà cung ứng của dự án La Gàn. Tọa lạc tại khu vực trung tâm thành phố Phan Thiết, văn phòng mới của dự án sẽ là trụ sở để đón tiếp và làm việc với các đối tác, khách hàng, cùng những đơn vị quan tâm tới dự án tại Bình Thuận.

Bà Maya Malik, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển dự án Điện gió La Gan cho biết: “Chúng tôi mong muốn được hợp tác với cộng đồng địa phương và xây dựng một trong những dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam. Việc khai trương văn phòng tại Bình Thuận là một bước đi quan trọng và thể hiện sự cam kết của chúng tôi trong việc hợp tác chặt chẽ với cộng đồng và chính quyền địa phương.”

Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với công suất 3,5GW được kỳ vọng trở thành một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Tiềm năng của dự án hướng tới nâng cao năng lực của Việt Nam về năng lượng tái tạo trên quy mô khu vực và toàn cầu.

Theo một nghiên cứu chuyên sâu thực hiện bởi các chuyên gia quốc tế của BVG Associates, dự án La Gàn dự kiến sẽ mang lại các giá trị tiềm năng, bao gồm tạo ra hơn 45.000 công việc tương đương toàn thời gian (Full Time Equivalent - FTE), trong đó, 1 FTE được hiểu là 1 công việc toàn thời gian trong vòng 1 năm, và đóng góp hơn 4.4 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam trong suốt thời gian vận hành dự án.

Với khoảng 250 TWh năng lượng sạch được tạo ra, dự án dự kiến sẽ cung cấp điện cho hơn 7 triệu hộ gia đình Việt mỗi năm, và có thể giảm thiểu lượng khí thải lên đến 130 triệu tấn CO2 trong suốt thời gian vận hành.

Điểm lại một số bước tiến của dự án, tháng 7 năm 2020, Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), thay mặt cho quỹ CI New Markets Fund I cùng với Asiapetro và Novasia Energy, đã ký Biên bản ghi nhớ với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về phát triển dự án La Gàn có công suất 3,5GW ngoài khơi Bình Thuận. Việc ký kết diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020 có sự chứng kiến của các lãnh đạo cấp cao trong nhà nước và các bộ ngành liên quan.

Vào tháng 12/2020, CIP, Asiapetro và Novasia Energy đã thành lập Công ty Cổ phần Phát triển dự án Điện gió La Gan để phát triển dự án.

CIP là nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi và đã huy động được hơn 14 tỷ đô la thông qua một số quỹ tập trung vào năng lượng tái tạo, bao gồm CI IV - quỹ năng lượng tái tạo dành riêng cho cánh đồng năng lượng xanh lớn nhất thế giới cho đến nay. Đối với CI New Markets Fund I, CIP đang quản lý một quỹ đầu tư có mục tiêu cụ thể hướng tới các nền kinh tế mới, đang phát triển nhanh và hiện đang tập trung nhiều vào Việt Nam.

Asiapetro là công ty năng lượng Việt Nam với nhiều kinh nghiệm phát triển các dự án năng lượng quy mô lớn bao gồm dầu, khí đốt, năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Novasia là một công ty Việt Nam tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo - đặc biệt là tài nguyên gió. Novasia có đội ngũ chuyên gia Việt Nam và Châu Âu với kinh nghiệm dày dặn trong ngành năng lượng tái tạo.

Vào tháng 2 năm 2021, Công ty Cổ phần Phát triển dự án Điện gió La Gan đã ký bốn Biên bản Ghi nhớ (MOU) về cung cấp nền móng và các dịch vụ bến cảng. Biên bản ghi nhớ đã được ký kết với các nhà thầu tại Việt Nam bao gồm CS Wind Corporation, PTSC Cơ khí và Xây lắp (PTSC M&C), Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Miền Nam (Alpha ECC) và Vietsovpetro.

Bằng cách thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, sử dụng công nghệ điện gió tiên tiến nhất, mục tiêu của dự án La Gàn là đảm bảo nhu cầu năng lượng dài hạn của Việt Nam và hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp địa phương một cách bền vững.

Có thể bạn quan tâm