Dự án thép Hoa Sen Cà Ná: Vay cả chục nghìn tỷ, thu lãi nghìn tỷ mỗi năm?

Con số vốn đầu tư hàng chục tỷ đô với công suất 16 triệu tấn/năm như công bố trước đây chỉ "tầm nhìn quy hoạch" trong dài hạn, thực tế Hoa Sen sẽ bắt tay vào triển khai với quy mô nhỏ hơn rất nhiều.
Dự án thép Hoa Sen Cà Ná: Vay cả chục nghìn tỷ, thu lãi nghìn tỷ mỗi năm?

Sáng nay 6/9, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) – một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong ngành thép Việt Nam - sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua chủ trương triển khai Dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận.

Tham vọng của Hoa Sen là xây dựng khu liên hợp luyện, cán thép khép kín từ nguyên liệu đầu vào đến đến việc sản xuất các loại sản phẩm thép thành phẩm, bán thành phẩm (như thép xây dựng, thép hình, thép chế tạo...) và các sản phẩm phát sinh (ximăng, điện). Bên cạnh đó, cũng dự tính xây cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận dùng để làm bến nhập than, xuất thép.

Hiện các doanh nghiệp thép lớn trong nước như Gang thép Thái Nguyên (Tisco), Hòa Phát hay Formosa Hà Tĩnh đều đang sở hữu những khu liên hợp có quy mô lớn, được đầu tư hoàn chỉnh nên việc Hoa Sen bắt tay xây dựng một khu liên hợp riêng cho mình cũng là điều không quá bất ngờ.

Theo dự thảo thỏa thuận hợp tác chiến lược với UBND tỉnh Ninh Thuận, Hoa Sen dự kiến đầu tư với số vốn 10,6 tỷ USD và công suất 16 triệu tấn/năm. Tuy vậy, đây chỉ là “tầm nhìn quy hoạch cho giai đoạn từ 2017-2031”. Trước mắt, Hoa Sen mới chỉ có kế hoạch triển khai dự án quy mô 6 triệu tấn/năm.

Theo lộ trình Hoa Sen đưa ra, dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn với 4 phân kỳ, đầu tư trong vòng 6 năm từ 2017 đến 2022. Mỗi phân kỳ có công suất 1,5 triệu tấn/năm và triển khai trong khoảng 18 tháng.

Dự án thép Hoa Sen Cà Ná: Vay cả chục nghìn tỷ, thu lãi nghìn tỷ mỗi năm? ảnh 1
Hiện Hoa Sen mới chỉ bàn đến việc triển khai Phân kỳ I.1 với công suất 1,5 triệu tấn/năm

Tại đại hội cổ đông lần này, Hoa Sen cũng mới chỉ bàn đến việc triển khai phân kỳ I.1 của dự án, với tổng số vốn cần thiết vào khoảng gần 14.000 tỷ đồng – gấp rưỡi tổng tài sản hiện nay của công ty. 

Vay trên 11.000 tỷ đồng để triển khai 

Theo Báo cáo đầu tư được trình bày trong đại hội cổ đông bất thường, Phân kỳ I.1 của Dự án có vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD, tức khoảng 11.150 tỷ đồng. Đây chỉ là dự tính số tiền sẽ đầu tư vào máy móc, nhà xưởng. Bên cạnh đó, để vận hành dự án còn cần thêm 2.700 tỷ đồng vốn lưu động; tức tổng cộng Hoa Sen cần gần 14.000 tỷ để triển khai phân kỳ I.1. Vốn tự có sẽ chiếm 18% tổng vốn đầu tư, tương ứng 2.500 tỷ đồng; còn lại là vốn vay ngắn hạn và trung hạn.

Dự án thép Hoa Sen Cà Ná: Vay cả chục nghìn tỷ, thu lãi nghìn tỷ mỗi năm? ảnh 2

Ngày 27/8 vừa qua, Ngân hàng VietinBank và Tập đoàn Hoa Sen đã ký kết thỏa thuận cấp tín dụng cho Dự án, bao gồm cam kết tài trợ vốn cho dự án,ưu tiên cấp tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn, trung dài hạn, tài trợ thương mại và là đầu mối thu xếp vốn cho dự án thông qua các sản phẩm tín dụng ưu đãi.

Tại thời điểm cuối quý 2/2016, Vietinbank đang cho Hoa Sen vay khoảng 2.600 tỷ trên tổng số 4.600 tỷ đồng vay và nợ ngân hàng của doanh nghiệp này. Với tình hình tài chính cũng như kết quả kinh doanh hiện tại của Hoa Sen, việc doanh nghiệp này vay thêm cả chục nghìn tỷ đồng để đầu tư cũng không phải là vấn đề quá lớn.

Hơn nữa Hoa Sen hoàn toàn có thể tính đến phương án tăng vốn chủ thông qua chào bán cổ phần để giảm áp lực vay nợ nếu thấy cần thiết – hiện phương án này chưa nằm trong dự tính của công ty. Thực tế thì Hòa Phát cũng không cần phải tăng vốn chủ khi đầu tư Khu liên hợp gang thép của mình.

Dự án thép Hoa Sen Cà Ná: Vay cả chục nghìn tỷ, thu lãi nghìn tỷ mỗi năm? ảnh 3
Phần lớn nợ vay của Hoa Sen được tài trợ bởi Vietinbank
Phần lớn nợ vay của Hoa Sen được tài trợ bởi Vietinbank

Đều đặn lãi nghìn tỷ mỗi năm khi dự án đi vào hoạt động? Đánh giá về hiệu quả tài chính của dự án, Hoa Sen đưa ra kịch bản khá lạc quan với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt 30%/năm cùng với thời gian hoàn vốn vào khoảng 5-6 năm.

Phân kỳ I.1 của Dự án dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 7/2018 và dự tính đến năm 2020 sẽ hoạt động với 100% công suất, mang về doanh thu 14.250 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 ước đạt gần 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận sẽ tăng dần hàng năm. Vấn đề mấu chốt của Dự án Hoa Sen Cà Ná hay bất kỳ dự án quy mô lớn đầu tư dài hạn nào khác là sản phẩm đầu ra của dự án có tiêu thụ được đúng như khi lập kế hoạch.

Thép luôn là mặt hàng có biến động giá thất thường, chịu tác động lớn từ nguồn cung thép Trung Quốc (chiếm ½ sản lượng thép toàn cầu) cũng như liên quan mật thiết tới thị trường bất động sản trong nước. Bên cạnh đó, lãi vay của dự án này sẽ là áp lực không nhỏ với Hoa Sen với cấu trúc vốn tự có thấp như vậy trong khi vốn vay cần đầu tư cho dự án rất lớn.

Dự án thép Hoa Sen Cà Ná: Vay cả chục nghìn tỷ, thu lãi nghìn tỷ mỗi năm? ảnh 4
Theo Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm