Dự thảo thông tư về cho vay tiêu dùng: nhiều điểm không thực tế

Các công ty tài chính cho rằng một số quy định trong dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước, như: khống chế về số tiền mặt cho vay tiêu dùng, lãi suất phạt... là chưa phù hợp với thực tế.
Dự thảo thông tư về cho vay tiêu dùng: nhiều điểm không thực tế

Tại tọa đàm về dự thảo thông tư quy định cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính ngày 23/11 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết quy chế về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng đã được ban hành từ năm 2000 và hiện có nhiều bổ sung, hướng dẫn.

Tuy nhiên, quy chế này không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế đi vay cũng như chủ thể cho vay là TCTD (gồm ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng, công ty tài chính,…). Trong khi đó, trên thực tế, đối tượng khách hàng của công ty tài chính và ngân hàng thương mại hoàn toàn khác nhau.

Phân khúc khách hàng của công ty tài chính thường là người có thu nhập trung bình hoặc thấp, không có tài sản thế chấp, cũng như không hiểu biết nhiều về tài chính, và thường không tiếp cận được các khoản vay của ngân hàng thương mại. Ngoài ra, các khoản cho vay của công ty tài chính thường nhỏ lẻ, có thời hạn cho vay ngắn, và rủi ro cao.

Do đó, ông Minh cho rằng, xuất phát từ sự khác biệt của phân khúc khách hàng, hoạt động của công ty tài chính cũng như nhu cầu quản lý của NHNN, cần có quy định pháp lý riêng về cho vay tiêu dùng đối với công ty tài chính để các công ty này thực hiện hoạt động cho vay tiêu dùng một cách hiệu quả, cũng như đảm bào quyền lợi người tiêu dùng.

Cũng tại buổi tọa đàm, theo tiến sĩ Bùi Quang Tín, công tác tại Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng, hiện NHNN đã đưa ra dự thảo lần thứ hai thông tư quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính với nhiều cập nhật so với dự thảo lần thứ nhất.

Ông Tín cho rằng dự thảo thông tư này sau khi hoàn thiện và được ban hành sẽ đem lại sự phát triển ổn định cho lĩnh vực vay tiêu dùng, đặc biệt đối với công ty tài chính, và giúp người dân tiếp cận tín dụng chính thống thay vì tín dụng đen, cũng như giúp cho quan hệ giữa công ty tài chính và khách hàng được xử lý trên cơ sở pháp lý rõ ràng đối với trước, trong, và sau khi cho vay. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng có cơ sở pháp lý để giải quyết khi có phát sinh tranh chấp giữa khách hàng vay và công ty tài chính.

Tuy nhiên, trong dự thảo lần hai này có một số quy định mà theo các công ty tài chính là chưa phù hợp thực tế và sẽ khiến họ gặp khó khăn khi áp dụng. Chẳng hạn, trong dự thảo thông tư, có quy định (Điều 17) về việc tổng số tiền mặt mà công ty tài chính giải ngân cho khách hàng vay tiêu dùng (bao gồm dư nợ cho vay và số tiền dự kiến cho vay) không được vượt quá 10 triệu đồng.

Quy định này nhằm hạn chế việc sử dụng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ, nhưng theo bà Phạm Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Pháp chế và Tuân thủ của Công ty FE Credit, hạn mức tiền mặt 10 triệu đồng là quá thấp.

Bởi vì, trên thực tế, công ty tài chính thường có sản phẩm chuyên biệt giải ngân trực tiếp và sản phẩm linh hoạt (dành cho khách hàng ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp xúc với các kênh thanh toán hiện đại). Ngoài ra, sản phẩm linh hoạt này cũng giúp khách hàng có được số tiền mặt và có thể quyết định mua hàng hóa ở bất cứ nơi nào có giá cả hợp lý hơn. Hiện với một sản phẩm tiêu dùng phổ biến như xe máy có giá thấp nhất cũng chừng 17 triệu đồng, nên việc hạn chế ở mức 10 triệu đồng là không phù hợp với thực tế.

Theo bà Vương Thuỷ Tiên, thành viên Hội đồng thành viên của Công ty cho vay tiêu dùng Home Credit, trên thực tế công ty tài chính thường không đưa tiền mặt cho khách hàng mà chuyển khoản cho các đối tác bán hàng cho khách hàng (mua hàng hóa theo hình thức trả góp - PV). Ngoài ra, nhu cầu vay tiền cho mục đích tiêu dùng tại Home Credit phổ biến là 30-50 triệu đồng, nên quy định mức tối đa 10 triệu đồng là quá thấp so với thị trường.

“Theo tôi biết, sau khi một số công ty tài chính phản ánh thì NHNN đã gửi phiếu điều tra trực tiếp đến các công ty này để tìm hiểu về nhu cầu cho vay, và tôi cho rằng có thể NHNN sẽ có điều chỉnh đối với quy định này (tức sẽ có điều chỉnh thay vì giữ nguyên mức 10 triệu đồng như trong dự thảo lần hai thông tư - PV)”, bà Tiên cho biết.

Ngoài ra, trong dự thảo cũng có quy định khống chế mức lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc quá hạn do công ty tài chính thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng cho vay tiêu dùng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn. Theo bà Thủy Tiên, quy định này sẽ gây nhiều khó khăn và buộc công ty phải thay đổi cơ cấu sản phẩm cho phù hợp, vì hiện công ty đang có các gói vay lãi suất 0%, chiếm đến 65% doanh số cho vay trả góp mua hàng điện máy gia dụng, điện tử (mảng CD) của Home Credit.

“Quy định yêu cầu công ty tài chính phải tính lãi chậm trả trên dư nợ gốc quá hạn và tiền lãi quá hạn là điểm mới trong dự thảo. Tuy nhiên, quy định này không thể áp dụng trên sản phẩm lãi suất 0% vì lãi phạt trên dư nợ gốc quá hạn dựa trên lãi trong hạn, mà lãi trong hạn với sản phẩm này là 0%. Việc này sẽ làm mất đi ý nghĩa của các biện pháp chế tài cho những khách hàng vi phạm các cam kết tại hợp đồng vay, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc kiểm soát nợ xấu của công ty tài chính”, bà Tiên cho biết.

Ngoài ra, việc tính lãi phạt theo cách dự thảo yêu cầu sẽ khiến mức phạt của khách hàng thay đổi theo từng ngày, và sẽ rất khó khăn cho công ty tài chính giải thích một cách rõ ràng, dễ hiểu cho khách hàng. Hiện Home Credit quy định số tiền phạt cụ thể để khách hàng dễ dàng nắm bắt, bà Tiên cho biết thêm.

Tại TPHCM, từ năm 2012 đến năm 2016, dư nợ cho vay tiêu dùng tăng nhanh với mức tăng trưởng bình quân 20%/năm. Trong những năm 2014, 2015, dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm 6-8% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn TPHCM.

Tính đến cuối tháng 10-2016, dư nợ cho vay tiêu dùng của TPHCM là 201.000 tỉ đồng, chiếm 14,7% tổng dư nợ trên địa bàn thành phố, tức tăng gấp đôi so với hai năm trước, gấp 1,5 lần so với năm ngoái, và có xu hướng tiếp tục tăng nhanh hơn trong thời gian tới. Trong đó, cho vay mua ô tô, cho vay mua nhà và sửa chữa nhà ở (trả nợ bằng tiền công tiền lương của người đi vay) chiếm 40% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại TPHCM.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn thành phố hiện ở mức 2,58%.

Theo T.Thu/Thời báo KTSG

>> 19 tổ chức tín dụng "ôm" 55,1% tổng nợ xấu hệ thống

Có thể bạn quan tâm