Duyệt chủ trương đầu tư hãng hàng không Vietravel Airlines hoạt động tại sân bay Phú Bài

Nhà đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam là Công ty Trách nhiệm hữu hạn hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).
Duyệt chủ trương đầu tư hãng hàng không Vietravel Airlines hoạt động tại sân bay Phú Bài

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 457/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam.

Dự án này nhằm xây dựng hãng hàng không gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế đến các nước trong châu lục, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành, cũng như phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập.

Nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Tổng vốn đầu tư của dự án là 700 tỷ đồng, chủ sở hữu chiếm 100% vốn đầu tư. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm tại địa điểm Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trong năm đầu tiên, sẽ có 3 tàu bay khai thác, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 8 tàu bay, chủng loại Airbus/Boeing hoặc tương đương.

Liên quan đến tiến độ thực hiện Dự án, Chính phủ yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện đầu tư từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 9, kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư; khai thác và kinh doanh từ tháng thứ 10.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định hồ sơ Dự án tại văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của pháp luật; bảo đảm Vietravel Airlines có đủ điều kiện thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án của Vietravel Airlines theo đúng quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, trong đó bao gồm kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của Vietravel Airlines theo tiến độ thực hiện Dự án.

Bên cạnh đó, Vietravel Airlines được hướng dẫn thực hiện ưu đãi về thuế và các chính sách liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành và phối hợp với cơ quan, đơn vị giải quyết kịp thời các khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án.

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình thẩm định, cấp phép kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và khả năng đáp ứng nguồn vốn của nhà đầu tư; đồng thời, chịu trách nhiệm giám sát việc phát triển đội tàu bay phải phù hợp với quy hoạch, năng lực quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, năng lực phục vụ cơ sở hạ tầng hàng không, việc bố trí các nguồn lực của nhà đầu tư phát huy năng lực khai thác, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.

Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam chỉ được kinh doanh vận chuyển hàng không khi đáp ứng điều kiện theo quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Trước đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết việc đầu tư dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam trong 5 năm đầu khai thác góp phần tạo ra giá trị gia tăng trong nước khoảng 3.650 tỷ đồng, đóng góp vào thu nhập quốc dân hơn khoảng 3.185 tỷ đồng.

Trong ước tính trên, thu nhập cho lao động sẽ là khoảng 1.982 tỷ đồng, hơn 1.203 tỷ đồng cho thặng dư xã hội.

Có thể bạn quan tâm