ESG là xu hướng của các nhà đầu tư có trách nhiệm

Đó là khẳng định của bà Tưởng Thị Thu Thủy – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) trong bài phát biểu khai mạc khóa đào tạo trực tuyến: “Lồng ghép tiêu chí ESG trong hoạt động kinh doanh”.
Khoá đào tạo diễn ra bằng hình thức trực tuyến
Khoá đào tạo diễn ra bằng hình thức trực tuyến

Khoá đào tạo diễn ra bằng hình thức trực tuyến do VACOD phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UNDP Việt Nam tổ chức ngày 24/11.

Với sự hỗ trợ của của Chính phủ Anh Quốc, Chương trình cải cách thương mại Khu vực đông Nam Á thông qua Dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường Kinh doanh công bằng ở ASEAN” của UNDP, khoá đào tạo diễn ra nhằm giới thiệu, nâng cao năng lực, hiểu biết cho doanh nghiệp về sự cần thiết, tầm quan trọng của tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), thông lệ thực hành kinh doanh bền vững, cách ESG tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.

Theo bà Tưởng Thị Thu Thủy – Phó Tổng thư ký VACOD, đầu tư vào các doanh nghiệp dựa trên đánh giá các tiêu chí ESG (Môi trường - Xã hội – Quản trị) được coi là xu hướng lớn của các nhà đầu tư có trách nhiệm, đặc biệt là khi nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, những giá trị bền vững là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi, quản trị rủi ro.

Với tầm quan trọng như vậy, việc có nhiều doanh nghiệp hoạt động hướng đến tiêu chuẩn ESG là thật sự cần thiết, đặc biệt trong thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh, các doanh nghiệp không chỉ nên tập trung vào lợi nhuận mà còn có những chính sách nhằm tăng thêm sự gắn bó giữa doanh nghiệp với người lao động, khách hàng và cộng đồng.

Cũng theo bà Thuỷ, để phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, doanh nghiệp cũng cần có chiến lược phát triển mới hướng tới việc tạo ra các giá trị lâu dài, trong đó tính tới các yếu tố về kinh tế, môi trường và xã hội.

Vì vậy, việc nâng cao hiểu biết cũng như cách thức áp dụng các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đóng góp cho xã hội về sức người, sức của, hạn chế những tác động tiêu cực đối với kinh tế - xã hội.

“Việc lồng ghép ESG vào hoạt động kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các bên liên quan, mà còn giúp doanh nghiệp cải thiện quản lý rủi ro kinh doanh, nâng cao khả năng thích nghi và cạnh trạnh hiệu quả” – Bà Thuỷ nhấn mạnh.

Tại khoá học, các học viên đã được ông Nguyễn Hoàng Nam - lãnh đạo dịch vụ Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) kiêm lãnh đạo dịch vụ đảm bảo tài chính tại PwC Việt Nam và ông Cao Gia Lập - Trưởng phòng của Dịch vụ Tư vấn và Quản trị Rủi ro tại PwC Việt Nam giới thiệu về ESG, các thách thức hiện tại của ESG và các thông lệ tiên tiến, giai đoạn trưởng thành của ESG, các yêu cầu về báo cáo ESG, khung và quy trình báo cáo ESG theo thông lệ…

Ông Nam là chuyên gia kỹ thuật chuyên sâu về cả Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (“IFRS”), Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (“VAS”) và Tính bền vững Báo cáo (“SR”). Ông Nam đã làm việc và hỗ trợ SSC / HOSE trong việc xây dựng bảng chấm điểm và đánh giá kết quả chấm điểm cho danh sách rút gọn của VNSI cho cuộc bình chọn Top 20 VNSI trong 3 năm.

Ông Lập có 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý rủi ro, bao gồm nhưng không giới hạn ở các lĩnh vực Tính bền vững, Quản lý rủi ro doanh nghiệp, Tính liên tục trong kinh doanh, Kiểm tra gian lận, Kiểm soát nội bộ và Kiểm toán nội bộ.

Cũng trong khuôn khổ khoá đào tạo, các học viên cũng đã thảo luận những vấn đề xảy ra với doanh nghiệp của mình cùng các bên liên quan…

Có thể bạn quan tâm