EVN đã ký 35 hợp đồng mua bán điện mặt trời

Thời gian qua, EVN đã ký 35 hợp đồng mua bán điện với các nhà đầu tư điện mặt trời bên ngoài EVN với tổng công suất là 2.271 MW.
EVN đã ký 35 hợp đồng mua bán điện mặt trời

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống 9 tháng đầu năm đạt 163,5 tỷ kWh, tăng 10,54% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng ngày lớn nhất đạt 711,3 triệu kWh và công suất lớn nhất 34.154 MW (ngày 22/6). Trào lưu truyền tải chủ yếu theo hướng từ miền Bắc vào miền Trung và vào miền Nam.

Lũy kế 9 tháng, sản lượng điện thương phẩm toàn EVN ước đạt 143 tỷ kWh, tăng 10,13% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng điện thương phẩm nội địa tăng 10,21%. Các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện của các đơn vị tiếp tục cải thiện so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung toàn Tập đoàn, trong 9 tháng đầu năm, tổng thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) là 543,28 phút (giảm 23,62% so với cùng kỳ 2017); tần suất mất điện thoáng qua bình quân (MAIFI) là 1,21 lần/khách hàng; tần suất mất điện kéo dài bình quân (SAIFI) là 4,36 lần/khách hàng.

Theo EVN, tổng công suất nguồn điện đưa vào phát điện trên toàn quốc trong 9 tháng là 2.500MW. Riêng EVN, trong 9 tháng đầu năm, đã đưa vào vận hành thương mại 2 tổ máy (2x600MW) dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và 2 tổ máy (2x300MW) dự án Nhiệt điện Thái Bình. Như vậy, tính đến cuối tháng 9, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống khoảng 47.900MW, trong đó nguồn điện của EVN là 28.100MW (chiếm 58,7%).

Đáng chú ý, EVN đã ký được 35 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các Nhà đầu tư điện mặt trời bên ngoài EVN với tổng công suất là 2.271 MW. Trong đó, dự án điện mặt trời Phong Điền (tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) có công suất 35 MW là dự án điện mặt trời đầu tiên hòa lưới sẽ chính thức vào vận hành ngay đầu tháng 10 này.

EVN thông tin thêm, lũy kế 9 tháng đầu năm, EVN và các đơn vị đã hoàn thành đóng điện 121 công trình lưới điện 110 - 500 kV; đã khởi công xây dựng 102 công trình lưới điện 110 - 500 kV.

Trong quý cuối cùng của năm 2018, EVN đặt ra chỉ tiêu sản lượng điện sản xuất và mua đạt 53,7 tỷ kWh; trong đó sản lượng điện thương phẩm (kể cả bán cho Lào và Campuchia) đạt 49,7 tỷ kWh; vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, bám sát tình hình phụ tải, diễn biến thời tiết - thuỷ văn và sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi; huy động tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống...

Công tác sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn tại EVN cũng đã đạt được một số kết quả tích cực. Thoái toàn bộ vốn của EVN tại Công ty CP Cơ điện Thủ Đức (EMC) thu về 77,5 tỷ đồng; tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu thành lập Công ty CP EVNGENCO3.

Thực hiện quyết toán cổ phần hóa Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) và bàn giao vốn, tài sản cho Công ty Cổ phần; tiếp tục triển khai các bước cổ phần hóa các Tổng Công ty Phát điện EVNGENCO 1 và 2; hoàn thành thoái vốn Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance) và triển khai thoái vốn tại Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh, Công ty CP Phong điện Thuận Bình, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3&4 sau khi Bộ Công Thương phê duyệt Phương án thoái vốn.

Theo VOV

>> Gần 20.000 tỷ đồng đầu tư vào các dự án điện Mặt Trời tại Tây Ninh

Có thể bạn quan tâm