FLC trình ĐHCĐ phát hành thêm 300 triệu cổ phần tăng vốn

Ngày 12/6, CTCP Tập đoàn FLC (mã: FLC) sẽ tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2018 nhằm thông qua kế hoạch tăng vốn khủng thêm 3.000 tỷ đồng lên hơn 10 nghìn tỷ đồng.
FLC trình ĐHCĐ phát hành thêm 300 triệu cổ phần tăng vốn

Tập đoàn FLC tiếp tục hành trình tăng vốn "khủng" lên gần 10 nghìn tỷ đồng

Đây là kế hoạch tăng vốn lớn tiếp theo của FLC sau nhiều năm liên tục phát hành cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông. Hiện, vốn điều lệ của FLC đã nâng lên mức 6.827 tỷ đồng sau đợt phát hành chia cổ tức mới đây.

Năm 2017, Tập đoàn FLC ghi nhận tăng trưởng doanh thu ấn tượng đạt hơn 12.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 385 tỷ đồng, chỉ đạt 39,1% kế hoạch đề ra.

Trên BCTC hợp nhất năm 2017, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2017 đạt hơn 1.796 tỷ đồng. Do đó, HĐQT trình lên ĐHCĐ thường niên 2018 thông qua phương án chia cổ tức với tỷ lệ 4% bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, HĐQT chưa cho biết thời gian cụ thể sẽ thực hiện phát hành chia cổ tức cho cổ đông mà chỉ thông báo “cân đối nguồn vốn và lựa chọn thời điểm” phát hành.

Hồi đầu năm nay, FLC đã thực hiện đợt phát hành hơn 44 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 7% năm 2016 cho cổ đông và chia 3% bằng tiền mặt.

Đáng chú ý, tại ĐHCĐ thường lần này, Tập đoàn FLC sẽ trình kế hoạch phát hành thêm 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành là 100:42 (cổ đông sở hữu 100 cổ phần sẽ được mua thêm 42 cổ phần) trong trường hợp giải định phát hành cổ phiếu để trả cổ tức đạt tối đa là 27,3 triệu cổ phần và tổng lượng phát hành trong mọi trường hợp không quá 300 triệu cổ phần.

Mức giá phát hành cho cổ đông hiện hữu là 10.000 đồng/CP, cao gấp đôi so với thị giá FLC hiện giao dịch trên sàn chứng khoán chỉ ở mức 5.000 đồng/CP. Mặc dù giá phát hành cao hơn thị giá song các đợt tăng vốn của FLC đều diễn ra suôn sẻ, phân phối hết cổ phần... 

Trong trường hợp số lượng cổ phần bán được chỉ đạt 50% lượng chào bán, số cổ phần không bán hết và vốn huy động không đạt mức dự kiến, HĐQT sẽ điều chỉnh cơ cấu sử dụng vốn để thực hiện kế hoạch đầu tư.

Toàn bộ vốn huy động tư phát hành thêm là 3.000 tỷ đồng sẽ được FLC sử dụng đầu tư dự án Quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình. Việc triển khai dự án FLC Quảng Bình sẽ được tập đoàn trực tiếp đầu tư hoặc thông qua công ty con.

Được biết, thời gian qua Tập đoàn FLC liên tục đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quỹ đất làm hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển tại Quy Nhơn, Quảng Bình, Quảng Ninh, đang nhắm tới Quảng Ngãi và Phú Quốc. Các dự án đều có quy mô vốn rất lớn hàng chục tỷ đồng, như dự án FLC Quảng Bình quy mô đầu tư 20.000 tỷ đồng, dự án FLC Vân Đồn quy mô đầu tư 2 tỷ USD… Đo đó đòi hỏi FLC phải có nguồn lực tài chính, đảm bảo cân đối nguồn tiền để đủ sức triển khai nhiều dự án cũ và mới cùng lúc.

Theo thông tin công bố trước đó, năm 2018 FLC đặt mục tiêu sẽ tăng doanh thu thêm 20% lên mốc kỷ lục 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 980 tỷ đồng và lãi sau thuế 784 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi so với năm trước.

Báo cáo của Ban giám đốc cũng cho biết, tập đoàn quyết định đầu tư thành lập Hãng hàng không Bamboo Airways vào tháng 05/2017 với định hướng mở rộng lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn sang kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không dân dụng. Đến nay, Tập đoàn FLC đã ký Hợp đồng thỏa thuận chính thức với Airbus mua 24 máy bay A321NEO.

Ngoài ra, Bamboo Airways cũng xúc tiến xây dựng một bộ máy gồm nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, sẵn sàng cho hoạt động khai thác bay từ 2019. Bamboo Airways vẫn đang trong quá trình xin cấp phép bay và chuẩn bị cho kế hoạch cất cánh vào năm 2019.

>> Quý 1/2018: Doanh thu Tập đoàn FLC tăng 40%, lợi nhuận sụt giảm chỉ đạt 139 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm