Gameshow "tiền khéo, tiền khôn" về thanh toán không dùng tiền mặt sắp ra mắt

Từ 25/11 tới, Gameshow truyền hình "tiền khéo, tiền khôn" sẽ chính thức lên sóng truyền hình với thông điệp “Kiến thức - Kĩ năng tài chính thông minh".
Gameshow "tiền khéo, tiền khôn" về thanh toán không dùng tiền mặt sắp ra mắt

Họp báo ra mắt chương trình

Chương trình do Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và VTV3 - Ban Sản xuất các chương trình giải trí Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp, được phát sóng từ 15h10 -15h55, thứ 7 của tuần thứ hai và tuần thứ tư của tháng (2 số/tháng), bắt đầu từ 25/11/2017 trên kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam với một format hoàn toàn "thuần Việt".

Chương trình được thực hiện theo Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao nhận thức công chúng về tài chính - ngân hàng, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, giảm thiểu rủi ro cho người dùng sản phẩm, dịch vụ cũng như tăng cường khả năng tiếp cận tài chính và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Nội dung chương trình sẽ tập trung cung cấp thông tin liên quan đến tiện ích, dịch vụ ngân hàng, cách sử dụng thẻ ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật, cách tiếp cận các dịch vụ ngân hàng như rút tiền, gửi tiền, vay vốn, …

Gameshow có format hoàn toàn "thuần Việt"

Theo thống kê, trên thế giới có hơn 2 tỷ người chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính. Theo các điều tra về mức độ hiểu biết kiến thức ngân hàng - tài chính cho thấy, phần lớn dân số thiếu các kiến thức về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng - tài chính và các vấn đề liên quan. Thực trạng phổ biến kiến thức ngân hàng - tài chính đặc biệt thấp không chỉ ở các nước đang phát triển mà cả các nước có nền kinh tế phát triển.

Đối với nhiều quốc gia, phổ biến kiến thức tài chính - ngân hàng trở thành một trong những chính sách ưu tiên dài hạn, với sự phát triển của hàng loạt các chương trình giáo dục và phổ biến kiến thức ngân hàng - tài chính được triển khai bởi chính phủ và các tổ chức công tư.

Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới (WB), bảo vệ người sử dụng các sản phẩm tài chính là một vấn đề rất quan trọng cho việc phát triển một thị trường dịch vụ tài chính hiệu quả, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Bảo vệ người tiêu dùng chính là khắc phục vấn đề mất cân đối về thông tin và nguồn lực giữa khách hàng và tổ chức tài chính. Trong khi các tổ chức tài chính – ngân hàng rất quen thuộc với các thuật ngữ và điều khoản về dịch vụ của mình thì người dân rất khó có được các thông tin đầy đủ để tiếp cận các dịch vụ tài chính ngay cả khi được cung cấp thông tin.

Bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng sẽ tạo ra kỷ luật cho thị trường, khuyến khích các định chế tài chính cạnh tranh qua việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn. Bảo vệ người tiêu dùng cũng đặt ra yêu cầu nâng cao quản trị thông qua việc tăng sự minh bạch trong cung cấp các dịch vụ tài chính cũng như trách nhiệm của tổ chức tài chính. Như vậy, thực chất, giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng là hai mặt của một vấn đề với việc cung cấp thông tin về các vấn đề tài chính.

Có thể bạn quan tâm