Gần 2 tỷ USD vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản

Báo cáo thị trường quý III, Bộ Xây dựng cho biết tổng vốn của nhà đầu tư nước ngoài rót vào bất động sản tăng dần từ cuối tháng 3 đến tháng 9, từ 0,6 tỷ USD lên 1,78 tỷ USD.
Gần 2 tỷ USD vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản

Theo báo cáo, tính đến 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Số liệu trên được Bộ Xây dựng đưa ra tại Báo cáo Thị trường BĐS quý 3/2021. Bất chấp tình hình dịch bệnh do Covid – 19 diễn ra phức tạp, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành kinh doanh bất động sản tăng dần từ cuối tháng 3 đến tháng 9 năm 2021 từ 0,6 tỷ USD đến 1,78 tỷ USD. Cùng với đó, vốn đăng ký lũy kế vào lĩnh vực bất động sản cũng có xu thế tăng dần theo quý.

Như vậy, có thể thấy, Việt Nam vẫn đang được đánh giá có vị thế tốt để thu hút FDI vào ngành kinh doanh bất động sản.

Báo cáo của Savills mới phát hành gần đây cho thấy, trong quý 3 vừa qua, bất chấp tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, khiến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện cách ly xã hội nhưng trong quý vẫn diễn ra một số giao dịch mua bán & sáp nhập (M&A) lớn.

Điển hình như, Công ty Aseana Properties Ltd. đã bán cổ phần tại Bệnh viện Quốc tế City cho một đối tác liên doanh với tổng giá trị khoảng 95 triệu USD.

Tập đoàn Ascott Ltd. (Capitaland) mua lại tổ hợp 364 căn hộ Somerset Metropolitan West Hanoi với giá khoảng 93 triệu đô la Mỹ.

Hay Nishi Nippon Railroad đã mua lại phần vốn góp của Công ty cổ phần đầu tư Nam Long tại Công ty TNHH Một thành viên Paragon Đại Phước. Nishi Nippon Railroad đã từng hợp tác cùng Nam Long Group trong việc phát triển Khu đô thị Nam Long Đại Phước với quy mô 45 ha.

Theo thống kê của Savills Việt Nam, bất chấp những tác động của đại dịch, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam vẫn chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực như các thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp cũng như sự gia tăng các diện tích đất công nghiệp mới.

Những nhà máy sản xuất có quy mô lớn nhất trong nửa đầu năm 2021 là những dự án được đầu tư bởi các nhà đầu tư Hong Kong và Singapore tại hai tỉnh là Quảng Ninh và Bắc Giang.

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam cho biết, tính theo khu vực, phía Bắc nhận được phần lớn các khoản đầu tư mới đăng ký vào lĩnh vực sản xuất lên đến 1,97 tỷ USD, chiếm 64% thị phần. Khu vực phía Nam đứng thứ hai với 728 triệu USD, chiếm 23% và sau cùng là khu vực miền Trung với 395 triệu USD, chiếm khoảng 13%.

Xét theo các tỉnh thì Bắc Giang có số vốn đăng ký mới cao nhất với 589 triệu USD, theo sau là Quảng Ninh với 569 triệu USD và Bắc Ninh với 222 triệu USD. Đại diện khu vực phía Nam là Bình Dương đứng ở vị trí thứ 4 với 208 triệu USD.

Với nhóm nhà ở, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam giải thích, một trong những yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài là tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại Việt Nam ngày càng tăng. Đây là cơ sở thúc đẩy nhu cầu về nhà ở trên khắp cả nước.

Vài năm gần đây, cung nhà ở đã sụt giảm mạnh càng khiến động thái mua bán sáp nhập các dự án bất động sản nhà ở của khối ngoại diễn ra mạnh mẽ.

Còn ở mảng bất động sản công nghiệp, ông John Campbell, Quản lý bộ phận này của Savills cho biết, các nhà đầu tư ngoại đánh giá cao các nền tảng ở Việt Nam như lao động, sự phát triển nhanh, mạnh về hạ tầng tại các thành phố lớn, liên tỉnh cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về pháp lý. Những điều này đã tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn khiến dòng vốn ngoại chảy vào.

Có thể bạn quan tâm