Giá vàng ngày 11/3:Giá vàng thế giới tăng, trong nước giảm sâu

Hôm nay, giá vàng trong nước biến động trái chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới. Trong khi giá vàng thế giới tăng trước những dữ liệu “nóng” về lạm phát tại Mỹ thì giá vàng trong nước giảm xuống quanh ngưỡng 70 triệu đồng/ lượng.
Giá vàng ngày 11/3:Giá vàng thế giới tăng, trong nước giảm sâu

Giá vàng trong nước

Trước giờ mở cửa phiên sáng nay, giá vàng trong nước đồng loạt sụt giảm, vàng SJC giảm mạnh phiên thứ ba.

Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn là 67,80-72,00 triệu đồng/lượng, giảm mạnh phiên thứ ba thêm 800 triệu đồng chiều mua vào và 2,4 triệu đồng chiều bán ra so với cùng thời điểm phiên trước.

Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội cũng tiếp tục giảm mạnh 1 triệu đồng mua vào và 600 nghìn đồng bán ra về 67,00-70,00 triệu đồng/lượng. Khoảng cách mua vào – bán ra tại đây rộng nhất thị trường, tới 3 triệu đồng.

Trong khi đó, giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giảm ít hơn với 170 nghìn đồng chiều mua vào và 420 nghìn đồng chiều bán ra về 55,76-56,99 triệu đồng/lượng.

Lúc này, giá vàng 9999 thương hiệu NPQ của Phú Quý cũng đã đảo chiều giảm 400 nghìn đồng mua vào và 500 nghìn đồng bán ra khi niêm yết 55,60-57,00 triệu đồng/lượng mua vào bán ra.

Giá vàng miếng trong nước hiện nay không đi cùng nhịp với giá thế giới mà bị tác động chính bởi tâm lý của nhà đầu tư, đặc biệt tâm lý mua vàng tích trữ do xung đột Nga-Ukraine và có yếu tố phòng thủ của các công ty kinh doanh kim loại quý.

Bởi vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dân nên thận trọng giao dịch vàng vì giá kim loại quý liên tục biến động.

Trước khi ra quyết định mua bán vàng, mọi người cần cân nhắc kỹ, tránh chạy theo tâm lý đám đông.

Giá vàng quốc tế

Ghi nhận đầu giờ sáng ngày 11/3, giá vàng giao ngay trên sàn điện tử Kitco giao dịch tại 1.998 USD/ounce, tăng 5,2 USD (0,26%) so với chốt phiên liền trước.

Giá vàng thế giới cao hơn khoảng 5,6% (106 USD/ounce) so với đầu năm 2021. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 56,7 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 13,8 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính.

Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng vọt trở lại khi mà đồng USD giảm và tỷ lệ lạm phát tại Mỹ tăng cao.

Bộ Lao động Mỹ vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng vọt lên mức 7,9% trong tháng 2 vừa qua, mức cao nhất trong 40 năm do giá cả hàng hóa tăng sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vào cuối tháng trước.

Dữ liệu lạm phát của tháng Hai là điểm dữ liệu quyết định cuối cùng trước cuộc họp về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới. Chủ tịch ngân hàng trung ương Mỹ Jerome Powell tuần trước đã có cuộc điều trần trước quốc hội và cho biết ông sẽ ủng hộ mức tăng 25 điểm cơ bản như truyền thống trong cuộc họp vào ngày 16/3 tới bất chấp những bất ổn kinh tế xung quanh “hậu quả không mong muốn” của cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Thị trường vàng đã dậy sóng sau một năm đáng thất vọng. Và mặc dù địa chính trị là yếu tố kích hoạt ban đầu khiến giá cả tăng vọt nhưng các nhà phân tích cho rằng, có thể vẫn còn nhiều biến động hơn thế nữa. Kim loại quý đã tăng 9,4% tính đến thời điểm hiện tại. 

Sự bất ổn địa chính trị liên quan đến vấn đề Ukraine và các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga đã tạo ra nhu cầu vàng mạnh mẽ. Các nhà đầu tư coi kim loại quý này như một hàng rào chống lại rủi ro, lạm phát và cú sốc kinh tế. 

Đối với các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,7% lên 25,92 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 1,7% lên 1.094 USD/ounce, theo Reuters.

Có thể bạn quan tâm