Giải "cơn khát vốn" cho các doanh nghiệp SME

Giới chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, các SME của Việt Nam có thể sẽ nhận được sự quan tâm hỗ trợ vốn từ các nhà đầu tư thông qua kênh cho vay thay thế mới dựa trên nền tảng công nghệ Fintech.
Giải "cơn khát vốn" cho các doanh nghiệp SME

Theo kết quả điều tra trong tháng 10/2020 với 200 nhà đầu tư Việt Nam được công bố cuối tuần qua từ Công ty công nghệ tài chính Validus, 58,5% nhà đầu tư nhận định tài trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) qua các nền tảng công nghệ tài chính (Fintech) là một kênh đầu tư hấp dẫn.

Các nhà phân tích cho rằng, đó là điều hợp lý trong hiện trạng kinh tế đầy thách thức hiện nay, khi mà đại dịch Covid-19 đã khiến gần 55% số nhà đầu tư tham gia khảo sát có suy nghĩ phải thay đổi chiến lược đầu tư.

Theo đó, gần 80% nhà đầu tư đang tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ với các kênh đầu tư thay thế, và 61% cho rằng các khoản đầu tư thay thế có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn so với các kênh đầu tư truyền thống như cổ phiếu và bất động sản.

Ông Swaroop Shah, Giám đốc điều hành của Validus Việt Nam cho biết, có sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà đầu tư mong muốn giúp thúc đẩy tăng trưởng cho các SME.

“Việt Nam đang được đánh giá với khả năng phục hồi kinh tế ổn định và mạnh mẽ sau đại dịch. Chúng tôi đã nhận thấy sự quan tâm gia tăng liên tục từ cả các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, những người đang tìm kiếm cơ hội thu lợi nhuận cao hơn và cởi mở hơn với các kênh đầu tư mới thay thế”, ông Shah nói.

Đáng chú ý, một báo cáo eConomy gần đây cho thấy nền kinh tế số hóa của Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng với hai con số, dự kiến đạt 52 tỷ USD vào năm 2025.

Điều này đặc biệt phù hợp với các SME ở Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung khi môi trường cho vay thông qua ngân hàng ngày càng bị thắt chặt hơn bởi điều kiện kinh tế hiện tại, khiến các SME trong khu vực thiếu nguồn tín dụng cần thiết cho hoạt động kinh doanh, dẫn đến sự thiếu hụt vốn cho họ hiện nay lên đến gần 300 tỷ USD.

Tại Singapore, một nghiên cứu hồi năm ngoái cho thấy các công ty Fintech đã thúc đẩy hiệu quả việc cho vay tới các SME và tác động tích cực trực tiếp của nó. Theo đó, các SME được hỗ trợ tài chính qua một công ty công nghệ tài chính đã chứng kiến mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm lên tới 17%, đóng góp 300 triệu USD cho GDP, và tạo ra 10.000 việc làm cho quốc gia này.

Thực tế, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, NHNN đã ban hành Thông tư 01 về cơ cấu nợ, giãn nợ và giảm lãi cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng đã đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp SME.

Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp cho biết vẫn rất khó để tiếp cận dòng vốn từ những gói vay này. Các ngân hàng thương mại cũng có lý do riêng là phải “phòng thủ” nợ xấu trong tương lai, thậm chí có thể kéo dài hết năm sau. Đại diện NHNN đã nhiều lần lên tiếng về việc không thể hạ chuẩn cho vay, dù là lý do Covid-19.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, để vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp vẫn phải có tài sản thế chấp, còn với tín chấp hay vay trên sản phẩm hình thành trong tương lai thì ngân hàng vẫn cho là rủi ro. Vì vậy, việc tiếp cận vốn ngân hàng rất khó khăn nếu không phải là khách hàng thân thiết và có tài sản đảm bảo.

Vì vậy,nếu nhìn từ kết quả khảo sát với các nhà đầu tư nêu trên thì có thể là là tín hiệu đáng mừng với hy vọng sẽ giải toả cơn khát vốn cho các doanh nghiệp và vừa nhỏ trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm