Giảm thuế VAT: 'Đôi bên cùng có lợi'

Theo các chuyên gia, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 1/2/2022 giúp người tiêu dùng tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân và góp phần giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoản tiền khá để tái đầu tư sản xuất kinh doanh.
Giảm thuế VAT: 'Đôi bên cùng có lợi'

Ngay từ đầu tháng 2/2022, việc áp dụng giảm 2% thuế VAT trong gói Chương trình phục hồi kinh tế đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực. Khảo sát trên thị trường ghi nhận nhiều điểm tích cực từ chính sách này.

Cùng chia sẻ gánh nặng

Ngay sau ngày nghỉ Tết nguyên đán, chị Phương Lan đi mua hàng tại WinMart Nguyễn Cơ Thạch với hoá đơn trị giá 2 triệu đồng, trước đó chị phải trả 200.000 đồng thuế VAT, nhưng nay chị chỉ phải trả 160.000 đồng (giảm 40.000 đồng). Điều này có được nhờ Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ, tác động đến toàn thị trường hàng hóa.

"Khoản tiền này tuy không quá lớn, nhưng trong mùa dịch này mình cảm thấy ý nghĩa với người lao động", chị Phương Lan cho hay.

Đại diện siêu thị WinMart đánh giá, với người tiêu dùng vốn là nhóm đang bị ảnh hưởng lớn khi thu nhập, việc làm bị giảm do dịch bệnh, việc giảm thuế VAT sẽ giúp nhóm này trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân. "Theo đó, việc giảm được chi phí chi tiêu này sẽ tạo điều kiện tốt hơn để người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu, phục vụ đời sống, qua đó tăng giao dịch trên thị trường", vị này cho hay.

Cũng tại siêu thị BigC & Go Thăng Long, các mặt hàng được giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 8% nằm trong giỏ hàng hóa thiết yếu, chiếm 75% tỷ trọng mua sắm của người tiêu dùng tại siêu thị.

"Cứ 10 khách hàng vào siêu thị thì sẽ có 7 khách hàng được hưởng lợi từ chương trình giảm thuế 2% của Chính phủ. Thông qua việc giảm thuế VAT, doanh nghiệp cũng không bị ảnh hưởng hiệu quả tài chính, vẫn có thể kích cầu tiêu thụ. Như vậy, cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất này", đại diện siêu thị Big C & Go Thăng Long, cho hay.

Còn đối với doanh nghiệp, việc giảm 2% thuế VAT cũng góp phần giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoản tiền khá để tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Theo tính toán của công ty TNHH thực phẩm Đức Việt, thuế VAT giảm 2% sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được gần 20 triệu đồng mỗi tháng.

“Số tiền tiết kiệm được từ việc giảm thuế chúng tôi sẽ không phải để đấy, mà sẽ tái đầu tư sản xuất kinh doanh với đầu vào của nguyên vật liệu hoặc tái mua thêm hàng hóa tiêu dùng", đại diện công ty này cho hay.

Giám sát việc thực hiện chủ trương

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp Chính phủ hoàn thành hai mục tiêu: Thứ nhất là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ hai phía là sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; Thứ hai là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá: Thuế VAT phổ thông hiện nay là 10%, khi giảm chỉ 2% sẽ có tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường. Tác động tới cả người mua và người bán. Ngoài ra, việc giảm thuế VAT sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi tiêu dùng trong nước phục hồi và mở rộng sau dịch.

Để đẩy mạnh triển khai thực hiện giảm thuế GTGT theo quy định ngày 9/2, Tổng cục Thuế cho biết, qua kiểm tra, nắm bắt thông tin, vẫn còn một số trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chưa xuất hóa đơn GTGT áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% (đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%) theo quy định tại Nghị định 15/NĐ-CP của Chính phủ.

Trước thực trạng này, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng các Cục Thuế chỉ đạo các phòng, các Chi cục Thuế cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý; bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế VAT theo đúng quy định. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, khi chính sách giảm thuế 2% được áp dụng, người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã xây xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về chi tiết thi hành theo nguyên tắc minh bạch giữa thực hiện và hạn chế tối đa các thủ tục hành chính để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Việc giảm thuế VAT là giảm trên hoá đơn đối với các doanh nghiệp thực hiện kê khai khấu trừ thuế VAT trực tiếp trên hoá đơn.

Trường hợp nếu khai theo hình thức doanh thu thì giảm mức tỉ lệ trên doanh thu và khi giảm thuế thì số tiền người mua phải thanh toán thì sẽ gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bán được hàng nhiều hơn, qua đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm