Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu giải pháp phát triển công trình xanh

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường GS.TSKH Đặng Hùng Võ đã có những nhìn nhận và nêu giải pháp phát triển bất động sản xanh ở Việt Nam.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu giải pháp phát triển công trình xanh

Sáng 20/9, Tạp chí Đầu tư Bất động sản tổ chức buổi toạ đàm “Bất động sản xanh: Trào lưu hay xu thế?”. Phát biểu tại đây, GS TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Bất động sản xanh đang là xu thế tất yếu ở trên thế giới. Tuy nhiên theo ông Võ, phát triển bất động sản xanh ở Việt Nam hiện nay mới đang bắt đầu và nhà đầu tư còn e ngại vì gặp nhiều khó khăn.

Thách thức lớn nhất khiến các chủ đầu tư ngần ngại là khi làm công trình xanh chi phí sẽ tăng cao. Mặc dù xét về lợi ích lâu dài thì phát triển công trình xanh sẽ đem lại giá trị bền vững về kinh tế cũng như bảo vệ môi trường.

Toàn cảnh tọa đàm "Bất động xanh: Trào lưu hay xu thế?"
Toàn cảnh tọa đàm "Bất động xanh: Trào lưu hay xu thế?"

Từ thực tế đang phát triển các dự án bất động sản xanh, bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Phúc Khang Corporation thừa nhận: Làm công trình xanh chi phí ban đầu tăng thêm khoảng 10% để thỏa mãn các tiêu chí đặt ra nhưng tiết kiệm về lâu dài. Trong đó, hiệu quả giảm 30% sử dụng nước và tối thiểu 20% năng lượng.

Tương tự, bà Lê Thị Tú Anh – Tổng giám đốc Công ty TNHH Đồi Xanh Nha Trang, cho biết, công trình xanh giúp giảm được khoảng 14% lượng nước sinh hoạt, 40% vật liệu xây dựng và 39% năng lượng so với các công trình thông thường.

Các giá trị bền vững, lâu dài mà công trình xanh mang lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, hiện nay ở Việt Nam mới có khoảng 100 công trình bất động sản xanh như Phú Mỹ Hưng, Ecopark... Khái niệm về bất động sản xanh cũng chưa được nhà đầu tư và người mua căn hộ hiểu một cách đầy đủ.

Việt Nam mới có khoảng 100 công trình xanh
Việt Nam mới có khoảng 100 công trình xanh

Để bất động sản xanh là xu thế phát triển mạnh mẽ như các nước trên thế giới, theo ông Võ, Việt Nam cần có chủ trương, chính sách cụ thể chứ không thể tiến hành theo phong trào như ngày môi trường, ngày nước... Vì xong rồi ai lại về nhà đó. Ngoài ra, Việt Nam cần có bộ quy chuẩn về phát triển công trình xanh.

“Như tại Singapore, nhà ở xã hội người ta cũng quy định phải có bao nhiêu phần trăm tiêu chí xanh”, ông Võ nêu.

Về phía nhà đầu tư cần tính chiến lược lâu dài chứ đừng quan tâm đến vấn đề trước mắt là bán được bao nhiêu căn hộ và thu lời được bao nhiêu. Mặt khác, nhà đầu tư và cư dân ở phải thay đổi tư duy về quyền mình được làm và được ở công trình xanh.

Có thể bạn quan tâm