Gucci và cú thoát xác ngoạn mục của một thương hiệu thời trang toàn cầu

Đã có những lời chia tay tiếc nuối, cũng đã có đầy hoài nghi trước một khởi đầu mới. Và giờ đây, những gì giới mộ điệu thấy trước mắt là một Gucci tràn đầy sức sống hơn bao giờ hết. Gucci là một
Gucci và cú thoát xác ngoạn mục của một thương hiệu thời trang toàn cầu
Đã có những lời chia tay tiếc nuối, cũng đã có đầy hoài nghi trước một khởi đầu mới. Và giờ đây, những gì giới mộ điệu thấy trước mắt là một Gucci tràn đầy sức sống hơn bao giờ hết.
Gucci là một cái tên đẳng cấp, đẳng cấp từ cách phát âm cho đến hình tượng hai chữ G lồng vào nhau vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của những người biết nhiều hay chỉ in ít về thời trang. Để có được vị thế như hiện tại, Gucci đã trải qua nhiều năm tháng thăng trầm từ một cơ sở nhỏ sản xuất túi xách và yên ngựa đến đế chế thời trang Gucci, từ Guccio Gucci đến cuộc chiến gia tộc… Nhưng không có gì ngăn cản được sức sống mãnh liệt của một nhà mốt danh tiếng. Không nhiều người biết rằng đến giữa thập niên 90, nhà mốt hàng đầu xứ Florence lại bị dè bỉu bằng thứ tội nặng nhất trong giới thời trang: "lạc mốt", đồng thời rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nề. Và rất có thể rằng Gucci sẽ trở thành một cái tên xưa cũ trong lịch sử làng mốt nếu không có sự xuất hiện của Tom Ford. Sexy đến tận cùng và táo bạo bất chấp mọi tranh cãi, Tom Ford đã thổi một luồng sinh khí mới, vực dậy một thương hiệu thời trang đang bị tụt hậu. 10 năm sau khi đã tạo dựng nên một Gucci lừng lẫy, Tom Ford rời khỏi ngôi vị Giám đốc sáng tạo, thay vào đó là Frida Giannini - một chân thiết kế phụ kiện.
Gucci dưới thời của Tom Ford
Gucci dưới thời của Tom Ford
Và dường như lịch sử lặp lại, đầu năm 2015, Frida Giannini lại chia tay ngôi vị Giám đốc sáng tạo sau 13 năm gắn bó với Gucci, nhường lại vị trí này cho Alessandro Michele - một gã ăn mặc kiểu nghệ sĩ và cũng là một thành viên trong nhóm thiết kế làm việc dưới quyền của Frida từ năm 2002, chuyên phụ trách nhóm đồ da, giày, đồ trang sức và trang trí nội thất. Và chính Alessandro đã thực hiện công cuộc lột xác ngoạn mục, "thay da đổi thịt" hoàn toàn Gucci sau một thời gian dài những sáng tạo của Frida Giannini bị thờ ơ. Vậy, câu hỏi ở đây là... Sai lầm của Frida Giannini với Gucci là gì? Trong suốt 8 năm "cầm trịch" nhà mốt Gucci, Giannini đã nỗ lực không ngừng nghỉ để thay đổi phong cách đậm chất Tom Ford bằng các ý tưởng từ di sản lâu đời của Gucci. Chẳng hạn như bà đã hồi sinh dòng túi Jackie, vốn được đặt theo tên của phu nhân Tổng thống Kennedy. Dựa vào mẫu khăn quàng của Grace Kelly 1960, bà đã phát triển bộ sưu tập túi "Flora" đầy màu sắc, bộ sưu tập không nhận được phản hồi tích cực từ các nhà phê bình nhưng lại rất thành công ở mặt thương mại. Bà còn áp dụng phong cách này cho các dòng phụ kiện khác bao gồm cả giày ba lê.
Chân dung cựu Giám đốc sáng tạo của Gucci
Chân dung cựu Giám đốc sáng tạo của Gucci
Gợi nhắc đến Gucci như một thương hiệu cổ điển là chiến lược của Giannini. Tuy nhiên về đường dài thì có lẽ nó lại nhanh chóng biến thành một đường lối nhàm chán. Khai thác những giá trị nguyên bản, tái chế các thiết kế xưa cũ không hề tạo nên lợi thế cho Gucci hơn các thương hiệu khác trong tay tập đoàn Kering (chủ sở hữu thương hiệu Gucci), chẳng hạn như Bottega Veneta - thương hiệu đồ da cao cấp bậc nhất.
Giannini đã nỗ lực không ngừng nghỉ để thay đổi phong cách đậm chất Tom Ford bằng các ý tưởng từ di sản lâu đời của Gucci.
Giannini đã nỗ lực không ngừng nghỉ để thay đổi phong cách đậm chất Tom Ford bằng các ý tưởng từ di sản lâu đời của Gucci.
"Rõ ràng họ đã không thể kích thích người tiêu dùng đủ", nhà phân tích của Exane BNP Paribas, Luca Solca cho biết, "Nhưng đây là một tin tốt. Các công ty cần một khởi đầu mới để duy trì sự cạnh tranh." Nhưng tội lỗi không chỉ thuộc về một người... Sẽ thật thiếu công bằng nếu quy chụp sự thất bại về doanh thu bán hàng trong năm qua, ảnh hưởng đến 50% lợi nhuận của tập đoàn Kering, chỉ thuộc về một mình Giannini. Bởi trong đó còn có một phần sai lầm không nhỏ của cựu Tổng giám đốc Patrizio di Marco. Cụ thể, ông đã có những va vấp trong chiến lược định vị phân khúc của thương hiệu này. Một thực tế là những người mua sắm hàng xa xỉ có đặc tính thường hay thay đổi và gần như thương hiệu cao cấp nào cũng đều phải đối mặt với thách thức làm sao để giữ cho sản phẩm của họ vừa độc quyền vừa lúc nào cũng có sẵn hàng. Đây là hai yêu cầu ngày càng khó mà đi song hành được. Gucci là một ví dụ điển hình. Theo đánh giá của giới phân tích, Gucci đã cố gắng vừa độc quyền vừa lúc nào cũng có sẵn hàng, nhưng kết quả là rơi vào cái bẫy có quá nhiều phân khúc giá và phân loại hàng hóa, làm suy yếu tính độc quyền của thương hiệu.
Cùng lúc đó, Kering lại đang nâng niu chăm sóc cho các nhãn hàng đã được Tập đoàn thâu tóm trước đó như Saint Laurent, Balenciaga và Bottega Veneta - những nhãn hàng đang giành lấy khách hàng cao cấp của Gucci. "Gucci đã phạm sai lầm lớn trong việc xem thường các nhãn hàng mới này. Nếu bạn quá tự tin về thế mạnh của mình, bạn sẽ có khuynh hướng đánh giá thấp đối thủ. Và kết quả là bạn mất đi thị phần hoặc những người tiêu dùng mới. Các đối thủ giành được thị phần và khách hàng mới là vì họ tốt hơn bạn", ông di Marco nói. Thực vậy, trong khi doanh số bán quý III/2014 của Gucci sụt giảm thì Kering cho biết con số này tại Saint Laurent và Bottega Veneta đã tăng lần lượt 28% và 10%. Dưới thời của ông Patrizio di Marco, Gucci vẫn tiếp tục đẩy mạnh các mặt hàng có giá cấp trung và tăng sản phẩm mang tính độc quyền hơn - tức có giá trong khoảng 3.200-5.610 USD. Nhưng theo Sanford C. Bernstein, mức tăng số sản phẩm độc quyền chỉ khoảng 1% trong giai đoạn từ tháng 9.2013 đến tháng 5.2014. Một số chuyên gia phân tích cho rằng nỗ lực này chưa đủ để thu hút khách hàng ở phân khúc cấp cao hơn.
Những chiếc túi thế hệ cũ của Gucci bị "thất sủng" hoàn toàn
Những chiếc túi thế hệ cũ của Gucci bị "thất sủng" hoàn toàn
Ngược lại, đối thủ Louis Vuitton đã tăng số sản phẩm cấp cao hơn của mình tới 6%. Đồng thời, thương hiệu này đã làm chậm lại tốc độ mở các cửa hàng mới khi chỉ mở thêm khoảng 30 cửa hàng mới trong 5 năm qua so với gần 200 của Gucci. Cùng lúc đó, logo có hình 2 chữ G của Gucci - vốn phổ biến ở Trung Quốc, nơi túi xách có logo chiếm tới 95% doanh số bán của Gucci cách đây chỉ vài năm - đang bị mờ nhạt. Một khảo sát của hãng nghiên cứu Millward Brown cho thấy chỉ 9% trong số 300 người tiêu dùng cho biết họ có ý định mua sản phẩm của Gucci vào năm 2013, giảm từ mức 14% trong số 400 người được khảo sát ý kiến năm 2008. Chính vì những yếu tố trên đã kết thành một sự trượt dốc không phanh của Gucci trong suốt vài năm qua. Và cuộc lột xác ngoạn mục mang tên Alessandro Michele Sự ra đi của bộ đôi Tổng giám đốc Patrizio di Marco và Giám đốc Sáng tạo Frida Giannini vào tháng 10 năm 2014 dấy lên những hoài nghi về tương lai nào cho Gucci. Thậm chí, việc bổ nhiệm NTK Alessandro Michele không hoàn toàn xoa dịu những nghi ngờ trên. Tuy nhiên, bằng tài năng và tầm nhìn, NTK Alessandro Michele đã cứu cánh Gucci khỏi bờ vực phá sản. Báo cáo kết quả kinh doanh của Gucci nửa đầu năm 2015 tăng 4,6% – chiếm 1/4 mức tăng trưởng của tập đoàn thời trang cao cấp của Pháp Kering.
Vượt qua sự hoài nghi ban đầu, Alessandro Michele đã đưa Gucci ra khỏi bờ vực phá sản.
Vượt qua sự hoài nghi ban đầu, Alessandro Michele đã đưa Gucci ra khỏi bờ vực phá sản.
Alessandro đã làm gì? Đầu tiên, ông đã khiến giới mộ điệu sốc không để đâu cho hết khi cho ra mắt BST nam giới mùa Thu-Đông 2015 với một phong cách hoàn toàn mới. Không còn những chàng trai thanh lịch và đỏm dáng mà thay vào đó là những cậu trai trẻ mình hạc xương mai với trang phục không thể nữ tính hơn. Hay dễ mường tượng hơn, mẫu đàn ông Gucci mới là những gã nghệ sĩ mang dáng vẻ thư sinh yếu đuối. Và cho đến BST nữ giới Thu-Đông 2015, Alessandro lại tiếp tục tạo nên sự mới lạ khi ứng dụng thủ thuật "Gender bender" (tạm dịch là bẻ giới). Cô gái mới của Gucci không còn sexy hay hiện đại, mà trở thành những quý cô geek-chic theo hơi hướng hoài cổ.
Và không chỉ làm mới hình tượng Gucci, Alessandro còn làm sống dậy trào lưu logo. Giới thời trang trong nhiều năm gần đây đã xem việc mặc logo trên người là một sự kệch cỡm, khoa trương và lạc hậu. Nhưng mặc kệ thời trang đang làm gì, Michele vẫn cứ mang họa tiết và logo Gucci lên trên túi xách và thậm chí trang phục Không chỉ thế, Alessandro còn tạo nên những chiếc túi được xứng danh IT-bag. Chẳng hạn như Sylvie và Dionysus.Những chiếc túi này chính là sự phản chiếu cho một kỉ nguyên mới của Gucci với sự dung hòa giữa sự đa dụng và tính thời trang để bạn có thể sử dụng trong công việc lẫn những buổi tiệc tùng.
Hiện tại, Gucci đang tràn đầy sức sống hơn bao giờ hết. Và cũng chỉ chưa đầy một năm sau khi lên ngôi Giám đốc sáng tạo mới của Gucci, Alessandro Michele đã được Hội đồng Thời trang Anh tôn vinh là Nhà thiết kế Quốc tế của năm. Thế nhưng "đường dài mới biết ngựa hay", liệu Gucci có thực sự trụ vững lâu dài được vị trí đứng thứ 2 trong thị trường hàng cao cấp toàn cầu hay không, có lẽ còn phải đợi thời gian trả lời. Cô Kim/ Tri Thức Trẻ

Có thể bạn quan tâm