Hà Nội: 22 chủ đầu tư phải trả lại phí bảo trì chung cư

Bộ Xây dựng vừa yêu cầu 22 chủ đầu tư dự án nhà ở chung cư tại Hà Nội trả lại cư dân 250 tỷ đồng quỹ bảo trì.
Hà Nội: 22 chủ đầu tư phải trả lại phí bảo trì chung cư

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 chủ đầu tư số tiền 820 triệu đồng và buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ ngay phần lấn chiếm không gian sử dụng chung để trả lại cho cư dân.

Thanh tra Bộ Xây dựng đã phát hiện nhiều chủ dự án, Ban quản trị tòa nhà vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, hầu hết chưa quyết toán kinh phí bảo trì các tòa nhà chung cư. Nhiều chủ dự án lấn chiếm, chiếm dụng không gian sở hữu chung của các tòa nhà để sử dụng vào mục đích riêng. Các chủ dự án vẫn quản lý kinh phí bảo trì các tòa nhà, gửi không kỳ hạn tại ngân hàng để thu lãi suất.

Hoặc có những chung cư bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đối với khu căn hộ, nhiều chủ đầu tư, như tại các chung cư: Chung cư hỗn hợp Hateco Hoàng Mai chủ đầu tư Công ty Cổ phần Hateco Hà Nội; tổ hợp chung cư cao tầng khu hỗn hợp nhà ở HH02, khu đô thị Dương Nội; Riverside Garden (số 349 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân)...

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, nhiều chung cư chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu, chậm bàn giao hồ sơ nhà chung cư do nguyên nhân chủ đầu tư thay đổi công năng các phần sở hữu chung. Theo quy định tại điều 5 Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ Xây dựng hồ sơ nhà chung cư bao gồm 4 thành phần, tuy nhiên do chủ đầu tư thay đổi công năng, mục đích sử dụng, lấn chiếm, sử dụng các phần thuộc sở hữu chung nhà chung cư do đó dẫn đến việc giấu không bàn giao hồ sơ, chậm bàn giao hồ sơ, nhiều chủ đầu tư chậm bàn giao từ 24 đến 36 tháng.

Ngoài ra, có những chung cư do giữa chủ đầu tư và Ban quản trị không thống nhất được việc phân chia diện tích chung riêng và diện tích nên chủ đầu tư giữ lại dẫn đến không quyết toán được số liệu, chậm bàn giao kinh phí bảo trì từ 1 - 3 năm.

Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, việc chưa thống nhất số liệu quyết toán có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên nguyên nhân chính dẫn đến việc tranh chấp khiếu nại kéo dài, trong đó trách nhiệm thuộc chủ đầu tư và Ban quản trị là do nhận thức pháp luật, cách thức, thái độ làm việc để tìm được tiếng nói chung và đi đến thống nhất, việc phân chia diện tích chung hay riêng, diện tích mà chủ đầu tư được giữ lại...

Quá trình làm việc với đoàn thanh tra, nhiều chủ đầu tư và Ban quản trị đã nhận thức được trách nhiệm chủ động khắc phục tồn tại, thống nhất với Ban quản trị quyết toán số liệu và đã bàn giao cho Ban quản trị hơn 48,8 tỷ đồng đối với phần kinh phí bảo trì đối với diện tích mà chủ đầu tư giữ lại để kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm