Hà Nội: Chuẩn bị 194.000 tỷ đồng hàng hóa đáp ứng nhu cầu chống dịch

Hiện 17 mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, với tổng trị giá 194.000 tỷ đồng đã được Hà Nội chuẩn bị đáp ứng nhu cầu chống dịch.
Hà Nội: Chuẩn bị 194.000 tỷ đồng hàng hóa đáp ứng nhu cầu chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội và hàng loạt bệnh viện phải cách ly y tế, dừng tiếp nhận bệnh nhân, các kịch bản ứng phó đã được sẵn sàng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh ra cộng đồng.

Ngành Công Thương Hà Nội đã lập đoàn kiểm tra tình hình cung ứng và tiêu thụ hàng hoá trên địa bàn thành phố. Hiện 17 mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, với tổng trị giá 194.000 tỷ đồng đã được Hà Nội chuẩn bị để đảm bảo đủ nguồn cung hàng hoá, phục vụ người dân theo các kịch bản phòng dịch cao nhất.

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện toàn thành phố có gần 150 siêu thị, 128 chuỗi cung ứng thực phẩm, hơn 450 chợ và hơn 1.000 điểm bán hàng bình ổn. Lượng hàng hoá, nhu yếu phẩm để phục vụ nhân dân đã được lên kịch bản ứng phó từ trước, kể cả khi dịch bùng phát ở cấp độ cao nhất.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: "Cho đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng hoá lớn, phục vụ nhu cầu chống dịch cho người dân trên địa bàn. 

Với lượng hàng hoá dự trữ trong 3 tháng 17 mặt hàng thiết yếu có tổng trị giá 194.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng dự trữ một lượng hàng hoá gần 30.000 tỷ đồng để sẵn sàng hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố ở khu vực lân cận nếu dịch bệnh phức tạp xảy ra.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, thành phố Hà Nội cũng đề nghị người dân yên tâm, không nên dự trữ hàng hóa khi có dịch xảy ra, cũng như tăng cường hình thức mua sắm online để tránh gây tập trung đông người.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố tăng cường quản lý, giám sát việc lưu thông hàng hóa trên địa bàn, tránh đầu cơ, thổi giá.

Đại diện các nhà phân phối và các chợ trên địa bàn Thủ đô cho biết, đã tăng gấp đôi lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường. Hàng thực phẩm tươi sống, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân rất đầy đủ, không có hiện tượng khan hàng "sốt" giá, gây bất ổn thị trường.

Sức mua ổn định, giá các loại hàng hóa cũng không tăng so với trước khi phát hiện trường hợp dương tính với dịch COVID-19. Bên cạnh đó, không có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa, tích trữ nhu yếu phẩm do lo sợ dịch bệnh.

Có thể bạn quan tâm