Hà Nội đề xuất bổ sung 500 tỷ đồng cho người lao động vay vốn hỗ trợ việc làm và phục hồi sản xuất

Ngân sách thành phố Hà Nội ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố với số tiền 500 tỷ đồng cho người lao động trên địa bàn vay phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19...
Hà Nội đề xuất bổ sung 500 tỷ đồng cho người lao động vay vốn hỗ trợ việc làm và phục hồi sản xuất

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố bổ sung nguồn vốn ngân sách thành phố năm 2021, ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội để hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn được vay ưu đãi.

Đây là chính sách đặc thù của thành phố, ngoài gói hỗ trợ an sinh xã hội dành cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Theo đề xuất, ngân sách thành phố Hà Nội ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội năm 2021 với số tiền 500 tỷ đồng để cho người lao động trên địa bàn thành phố vay phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Số vốn đề nghị bổ sung dự kiến đáp ứng được khoảng 44% nhu cầu vốn của người lao động, góp phần tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động (mức cho vay bình quân dự kiến là khoảng 50 triệu đồng/lao động).

Như vậy, ngoài các chính sách chung, Hà Nội đang bổ sung nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân với kinh phí dự kiến đến thời điểm này là hơn 800 tỷ đồng.

Theo dự kiến đề xuất, đối tượng cho vay là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động là người mù, người tàn tật có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm và thu nhập ổn định.

Người lao động bị mất việc làm do Covid-19; người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 có nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định.

Người lao động làm việc tại các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ưu tiên được vay vốn gồm: kinh doanh buôn bán, dịch vụ (kinh doanh hàng tiêu dùng, tạp hóa, vật tư nông nghiệp, cửa hàng ăn uống, cà phê giải khát, vận chuyển grab....).

Ngoài ra là người lao động trong các ngành sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, nuôi thủy sản) và một số ngành, nghề khác (sản xuất tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp...).

Trước đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố và các cơ quan chức năng đã có đánh giá về việc triển khai chính sách cho vay vốn đối với người dân, người lao động.

Theo thống kê, tổng nguồn vốn huy động và quản lý tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội tính đến 30/6/2021 là 10.955 tỷ đồng, tăng 751 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2021 là 2.715 tỷ đồng với hơn 64.800 lượt khách hàng được vay vốn. Tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đến 30/6 là 10.917 tỷ đồng với hơn 248.000 lượt khách hàng đang vay vốn...

Có thể bạn quan tâm