Hà Nội: Khẩn trương ổn định nguồn cung thịt lợn

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa đề nghị các sở, ngành liên quan thống kê và có giải pháp ổn định nguồn cung mặt hàng thịt lợn.
Hà Nội: Khẩn trương ổn định nguồn cung thịt lợn

Cụ thể, nhằm ổn định nguồn cung thịt lợn trên địa bàn, UBND Thành phố giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp Sở Công Thương và sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện; báo cáo Bộ NN&PTNT, UBND Thành phố theo quy định.

Hiện tại, nguồn cung lợn thịt trong sản xuất có giảm so với cùng kỳ năm 2017 trong các tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, số lượng không lớn, cụ thể sản lượng thịt lợn giảm khoảng 1,2% trong quý I, sang quý II đã hồi phục tăng khoảng 0,4 % và dự kiến tăng từ 1,5 đến 2% vào quý III và quý IV do đầu tháng 4.

Về giá lợn hơi trong nước hiện đang thuộc nhóm cao trong khu vực và hoàn toàn do thị trường trong nước và người chăn nuôi chi phối. Khác với nhiều năm, giá lợn hơi hiện tăng cao hơn ở khu vực nông thôn, chợ cóc khu vực giết mổ nhỏ lẻ, do thợ mổ ở khu vực này không có điều kiện tiếp cận được với những cơ sở chăn nuôi trang trại, doanh nghiệp nguồn cung chính, mặt hàng lợn thịt hiện nay càng làm cho giá lợn thịt cục bộ ở nhiều nơi tăng cao, gây lan tỏa tâm lý thị trường đang thiếu nguồn cung lợn thịt và kéo giá lợn thịt cả nước lên cao.

Trước đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn khẩn trương triển khai một số giải pháp: Thống kê nhanh quy mô đàn nái hiện có và đầu lợn, sản lượng lợn thịt dự kiến trong từng tháng từ nay đến tháng 2/2019, so sánh với cùng kỳ năm 2017, gửi báo cáo gấp về Cục Chăn nuôi, để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Thông tin thường xuyên và đầy đủ về giá cả thị trường và nguồn cung lợn thịt; tuyên truyền để người chăn nuôi và thương lái biết và cùng có tránh nhiệm ổn định thị trường, ngành hàng chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, như: Không đẩy giá lợn vượt ngưỡng 50.000 đồng/kg, xuất lợn đúng tuổi, đúng khối lượng không đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá và tuyệt đối không để các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn làm giá.

Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp bình ổn giá thịt lợn và khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp hơn với nguồn cung thực phẩm trong nước, vì hiện nay sản phẩm thịt, trứng gia cầm, nhất là gà vườn, vịt thịt trong sản xuất đang rất nhiều, chất lượng tốt và giá cả phải chăng.

Kiểm tra kỹ và có biện pháp kịp thời hỗ trợ công tác phòng dịch, nhất là vấn đề sử dụng vắc xin cho đàn lợn nái trên địa bàn do khi giá lợn xuống thấp trong năm 2017 ngưòi chăn nuôi không chú ý nhiều đến vấn để sử dụng vắc xin; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc lưu thông các loại gia súc, gia cầm, nhất là đối với mặt hàng thịt lợn trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm