Hà Nội tăng cường kiểm soát dịch tả lợn châu Phi, bình ổn giá thịt lợn

UBND thành phố Hà Nội đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố, không để dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan diện rộng.
Hà Nội tăng cường kiểm soát dịch tả lợn châu Phi, bình ổn giá thịt lợn

Theo Sở NN&PTNT từ ngày 4/9/2020 đến 19/10/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 7 hộ chăn nuôi thuộc 7 thôn, 7 xã trên địa bàn 5 huyện (Chương Mỹ, Đông Anh, Thường Tín, Phú Xuyên và Thanh Oai) phải tiêu hủy 213 con lợn với tổng trọng lượng 12.606kg.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu, trước nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục bùng phát diện rộng trên địa bàn Thành phố, Sở NN&PTNT, UBND các huyện Chương Mỹ, Đông Anh, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai và các đơn vị liên quan tăng cường, tập trung tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn theo đúng quy định; xử lý dứt điểm các ổ dịch nêu trên, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

Sở NN&PTNT thành lập ngay các đoàn công tác đến trực tiếp các địa phương có ổ bệnh DTLCP (chưa qua 21 ngày) để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Khẩn trương xây dựng, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, bố trí kinh phí và các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh DTLCP của địa phương. Kế hoạch của địa phương phải cần có mục tiêu, giải pháp cụ thể và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm thống nhất với các nội dung của kế hoạch quốc gia.

Đồng thời, tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh DTLCP theo nguyên tắc tuân thủ và thực hiện những nội dung, giải pháp tại Kế hoạch quốc gia, cũng như những biện pháp cụ thể tại các văn bản của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP, văn bản của Bộ NN&PTNT và các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Cục Thú y.

Chủ động triển khai giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là tại các khu vực đã từng có địch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn đến cấp xã, huyện và tỉnh theo đúng quy định của Luật thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan. Phổ biến và nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi; đồng thời có kế hoạch và chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh DTLCP để phát hiện sớm, cảnh báo và kịp thời tổ chức triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh.

Có thể bạn quan tâm