Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án xây dựng đường Vành đai 4

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo đúng Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm tổng thể, đồng bộ, tiến độ, chất lượng.
Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án xây dựng đường Vành đai 4

Ngày 5/7, Thành ủy Hà Nội ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban. Thành phố cũng mời đại diện các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh tham gia Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo đúng Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm tổng thể, đồng bộ, tiến độ, chất lượng.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027; lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp với các cơ quan trung ương và các tỉnh liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Trước đó, ngày 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội với 95,18% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Theo Nghị quyết, đầu tư khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần. Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341ha, trong đó, đất trồng lúa khoảng 816 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258 ha, đất dân cư (đất ở) khoảng 58 ha và đất khác khoảng 209 ha. Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỉ đồng. Chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt. Cụ thể, về nguồn vốn đầu tư, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 14.250 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải giao về các địa phương để thực hiện dự án.

Trong đó, thành phố Hà Nội là 8.400 tỷ đồng; tỉnh Hưng Yên là 3.740 tỉ đồng và tỉnh Bắc Ninh là 2.110 tỉ đồng. Cho phép sử dụng phần vốn nhà nước tham gia tối đa là 66% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án.

Nghị quyết nêu rõ, việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Nghị quyết giao UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ của toàn dự án.

Có thể bạn quan tâm