Hà Nội thu hồi đất hàng loạt dự án phát triển nhà ở

UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi 39,2ha thuộc quỹ đất 20%, quỹ đất xây dựng công trình công cộng phải bàn giao cho Thành phố, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Yêu
Hà Nội thu hồi đất hàng loạt dự án phát triển nhà ở

Yêu cầu trên được chỉ đạo tại văn bản Chỉ đạo quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà điều tiết (quỹ đất 20%, quỹ nhà 30%) tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội mới được  Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành.

Theo đó, TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ thu hồi 39,2ha thuộc quỹ đất 20%, quỹ đất xây dựng công trình công cộng phải bàn giao cho TP, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (Gồm: 27 ô đất thuộc 14 dự án đã bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và 56 ô đất thuộc 19 dự án chưa thực hiện bàn giao); thẩm định, trình UBND TP quyết định thu hồi, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP để quản lý, chống lấn chiếm và đề xuất phương án sử dụng đất, thời hạn hoàn thành trước ngày 30/5.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra, báo cáo tổng hợp tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng đối với diện tích 15,1ha thuộc quỹ đất 20%, quỹ đất xây dựng công trình công cộng phải bàn giao cho TP, chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời nêu rõ kết quả thực hiện, nguyên nhân, trách nhiệm về việc chậm triển khai, xác định thời hạn phải hoàn thành giải phóng mặt bằng. Với các đơn vị không thực hiện, xem xét đề xuất xử lý trách nhiệm trong việc thực hiện dự án cũng như xem xét năng lực của nhà đầu tư, chấp hành quy định của pháp luật, báo cáo UBND TP trước ngày 30/5.

UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát về quỹ nhà tại các dự án phát triển nhà phải bàn giao cho TP, nghĩa vụ tài chính phải nộp.

Về quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Xây dựng, Sở Tài chính, rà soát tổng hợp về quỹ đất tại các dự án phát triển nhà ở phải bàn giao cho TP, đề xuất, báo cáo UBND TP, trong đó báo cáo rõ các dự án chủ đầu tư lựa chọn hình thức chuyển giao quỹ nhà ở hoặc nộp bằng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20%, việc này phải hoàn thành trước ngày 30/5/2018.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thường xuyên phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp toàn bộ quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà trên địa bàn TP và các dự án lựa chọn hình thức chuyển giao quỹ nhà ở hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%.

Thanh tra TP, Sở Tài chính, Cục Thuế TP có nhiệm vụ tổng hợp, xử lý việc quản lý sử dụng quỹ đất 20%, quỹ nhà 30% tại các dự án phát triển nhà ở, thực hiện kết luận Thanh tra, kết luận Kiểm toán trên địa bàn TP.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện hàng loạt sai phạm về việc quản lý đầu tư xây dựng một số Dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo QĐ 123/2001/QĐ-UB ngày 06/12/2001 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, giai đoạn từ năm 2002-2014. Đặc biệt là liên quan đến việc quản lý quỹ đất 20% và quỹ nhà 30%.

Theo Thanh tra Chính phủ theo quy định của UBND TP Hà Nội chủ đầu tư các dự án khu nhà ở, khu đô thị phải thực hiện nghĩa vụ nộp 20% quỹ đất ở hoặc 30% quỹ nhà ở để bổ sung vào quỹ nhà ở của TP. Tuy nhiên quá trình thực hiện phần lớn các dự án được TP cho phép cơ chế nộp tiền; có trường hợp TP bỏ tiền ra mua lại số căn hộ thuộc 305 quỹ nhà mà chủ đầu tư phải có nghĩa vụ trích nộp cho TP.

Tại một số dự án UBND TP ban hành quyết định về nghĩa vụ trích nộp quỹ nhà ở, quỹ đất ở còn thiếu; thậm chí một số dự án không phải trích nộp, hoặc quỹ đất 20% được giao lại để xây dựng nhà bán, gây nên sự bất bình đẵng giữa các nhà đầu tư.

Thực chất quỹ đất 20% trích lại cho TP là quỹ đất sạch, theo quy định là phải đấu giá nhưng TP đã giao lại cho chủ đầu tư hoặc giao cho chủ đầu tư khác, để xây nhà bán kinh doanh trái pháp luật.

Việc quản lý và sử dụng quỹ nhà ở, quỹ đất ở thu được từ các dự án đã biểu hiện sự buông lỏng quản lý, xảy ra nhiều sai phạm, nhiều bất cập, đến thời điểm thanh tra vẫn còn nhiều chủ đầu tư chưa nộp tiền vào Ngân sách nhà nước.

Có thể bạn quan tâm