Hà Nội thu hút 2,28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 10 tháng qua

Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Trần Ngọc Nam cho biết tại buổi họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức vào chiều 15/11.
Hà Nội thu hút 2,28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 10 tháng qua

Theo ông Trần Ngọc Nam, tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hà Nội năm 2016 ước tăng 8,03%, là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Trong đó, giá trị gia tăng ngành công nghiệp - xây dựng ước tăng 8,8%. Ngành công nghiệp ước tăng 7,1%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,1%. Giá trị gia tăng ngành dịch vụ ước tăng 8,1%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa (tổng mức bán ra) ước tăng 9,5%. Ngành nông nghiệp ước tăng 2,21% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng năm 2016 ước tăng 3,01-3,07%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội ước đạt 173.846 tỷ đồng, bằng 102,6% dự toán HĐND giao, tăng 16,2%. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 74,514 tỷ đồng, bằng 101% dự toán năm.

Chỉ số PCI của Thành phố xếp thứ 24/63, tăng 2 bậc so với năm trước, đây là mức xếp hạng cao nhất kể từ ngày công bố Chỉ số PCI.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, kết quả trong 10 tháng qua, TP Hà Nội đã thu hút 445 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 2,8 tỷ USD (tương đương 58,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với năm 2015), vốn thực hiện đạt 1,2 tỷ USD, vượt kế hoạch năm 2016 đề ra từ 1,5-2 tỷ USD.

Ông Trần Ngọc Nam cho biết thêm, kết quả thu hút FDI 10 tháng đầu năm 2016 có sự tăng mạnh về giá trị vốn đầu tư đăng ký mới. TP Hà Nội đã thu hút được một số dự án lớn trong các lĩnh vực được đánh giá là thế mạnh và ưu tiên thu hút đầu tư như: lĩnh vực công nghệ cao có Dự án Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Samsung (300 triệu USD); lĩnh vực môi trường có Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống (227 triệu USD); lĩnh vực viễn thông có Công ty Vietnammobile tăng vốn 208 triệu USD; lĩnh vực ngân hàng có dự án Ngân hàng TNHH MTV Public Việt Nam với số vốn 134 triệu USD.

Về thu hút vốn ODA, lũy kế đến nay, Thành phố Hà Nội đã thu hút và triển khai 98 dự án ODA với số vốn tài trợ và cam kết khoảng 4,8 tỷ USD, trong đó, giá trị đã ký kết là 3,2 tỷ USD, đã giải ngân 1,05 tỷ USD.

Các dự án sử dụng vốn vay ODA của Thành phố chủ yếu dành cho lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông đô thị (chiếm 56%) và thoát nước, xử lý nước thải (chiếm 31,8%). Tổng vốn đầu tư xã hội của Thành phố trong 10 tháng đầu năm nay ước đạt gần 278 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Thành phố đã công bố 52 danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP và 43 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng mức đầu tư khoảng 711 nghìn tỷ đồng.

Liên quan đến thông tin trong năm 2017, Trung ương điều tiết tỷ lệ ngân sách Thành phố được giữ lại giảm từ 42% xuống còn 35%, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết Thành phố đang xây dựng kịch bản để bù đắp vào khoản 7% thiếu hụt này. Đó là sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp… nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn nữa.

Cùng với đó, Thành phố sẽ xem xét, dừng một số dự án không có khả năng hoàn thành để tập trung dứt điểm cho các dự án có khả năng hoàn thành và hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

 Theo Infonet

>> 100 tỷ USD vốn FDI chưa thực hiện đang nằm ở đâu?

Có thể bạn quan tâm