Hà Nội: Thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Trong năm 2018, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được HĐND thành phố thông qua.
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Đây là một trong những nội dung trọng tâm trong Quyết định số 1715/QĐ-UBND về Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của thành phố năm 2018 vừa được UBND TP. Hà Nội ban hành.

Bên cạnh đó thành phố Hà Nội sẽ kiệm phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực ngay từ các khâu xác định nhiệm vụ, lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách năm 2018 cho các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó: Tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương) để thực hiện cải cách tiền lương.

Các quận, huyện, thị xã ưu tiên sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương (ngoài 50% để cải cách tiền lương theo quy định) để bố trí chi thực hiện các chế độ, chính sách ban hành trong thời kỳ ổn định ngân sách.

Thành phố giảm tần suất và thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác phí; phấn đấu tiết kiệm 12% so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát trong và ngoài nước; phấn đấu tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tiếp tục thực hiện cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của thành phố.

Tiết kiệm triệt để trong quản lý, sử dụng kinh phí của đề tài nghiên cứu khoa học, không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi, chưa xác định được nguồn kinh phí thực hiện. Từng bước chuyển việc bổ trí kinh phí hoạt động thường xuyên sang thực hiện phương thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu; thực hiện khoán kinh phí theo kết quả đầu ra.

Sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Đầu tư ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục công lập cần có trọng điểm, tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập và tiếp tục kiên cố hóa trường học, nhất là đối với các cơ sở giáo dục ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiếu sổ, vùng núi. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học. Triển khai có hiệu quả chế độ học phí mới nhằm bảo đảm sự chia sẻ hợp lý giữa nhà nước, người học và các thành phần xã hội.

Tăng cường huy động các nguồn đầu tư của xã hội cho y tế gắn với lộ trình điều chỉnh giá, phí dịch vụ y tế; có chính sách giám sát, nâng cao hiệu quả trong việc mua sắm trang thiết bị và thuốc, vật tư y tế; gắn việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, lộ trình cải cách tiền lương; đồng thời tăng cường kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh. Thực hiện minh bạch giá dịch vụ y tế, phân định rõ phần chi từ ngân sách nhà nước và phần chi của người sử dụng dịch vụ y tế.

Rà soát các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định để ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả, cắt giảm các chương trình, dự án có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm